Ngày thường, đô thị TPHCM đã ngổn ngang, quá tải. Những ngày cận Tết Nhâm Thìn 2012 tình hình càng trở nên bát nháo, đặc biệt là tại các điểm vui chơi, mua sắm, ăn uống ở khu vực trung tâm TPHCM.
Mặc dù trong năm 2011 nhiều lần các sở - ngành chức năng cùng với chính quyền địa phương chấn chỉnh, giải quyết dứt điểm tình trạng xe du lịch lữ hành bến cóc đón trả khách, xe đội mũ hợp đồng rước khách lẻ, đặc biệt trong khu vực nội đô nhưng tình hình không mấy thuyên giảm mà diễn biến càng phức tạp, nhất là trong những ngày cận tết.
Bức xúc nhất là trên các tuyến đường trung tâm TPHCM như Đề Thám (đoạn từ ngã tư Đề Thám – Bùi Viện đến Phạm Ngũ Lão); đường Phạm Ngũ Lão (đoạn từ Nguyễn Thái Học đến đầu tuyến đường xẻ dọc Công viên 23-9), xe du lịch lữ hành chất lượng cao loại trên 45 chỗ của nhiều hãng lữ hành nối đuôi nhau thành hàng dài đậu thường trực chiếm hết 1/3 lòng đường.
Nhiều vị trí trên những tuyến đường này trở thành điểm tập kết, bốc dỡ hàng hóa lên xuống xe như trước trụ sở Công ty Vận tải du lịch Phương Trang (317-319 Phạm Ngũ Lão). Phần lớn vỉa hè nơi đây bị chiếm dụng để tập kết hàng, nhiều nhất là xe máy. Ghi nhận lúc cao điểm, đoàn xe du lịch lữ hành chiếm hết 1/3 lòng đường, cộng thêm dòng xe buýt, taxi lưu thông dàn hàng ngang nối đuôi nhau đẩy những người lưu thông xe máy vào phần đường dành cho ô tô khá nguy hiểm, khiến giao thông khu vực này hỗn loạn. Hầu như ngày nào cũng xảy ra tình trạng xe máy va chạm nhau.
Tương tự, tại đường Nguyễn Thái Bình, khu vực Công viên 23-9, đội quân xe Hoa Mai loại 16 chỗ vận chuyển khách tuyến TPHCM – Vũng Tàu thường trực chiếm lòng đường trên những tuyến đường này. Trên đường Hàm Nghi, xe Phương Nam nối đuôi nhau chiếm hết 1/2 mặt đường. Bên cạnh đó là các tuyến đường Bùi Thị Xuân, Sương Nguyệt Ánh, Nguyễn Trung Trực… Sau khi Sở GTVT TPHCM thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TPHCM không cho phép ô tô đậu dưới lòng đường, lượng xe này tràn lên vỉa hè hoặc lấn chiếm các con hẻm.
Nhiều cửa hàng, trung tâm mua sắm, dịch vụ ăn uống, tình trạng lấn chiếm vỉa hè không giảm. Trung tâm Siêu thị điện máy Nguyễn Kim, Trung tâm Mua sắm Saigon Square bày hàng khuyến mãi ra gần hết vỉa hè. Người mua, người bán, hàng rong ăn theo vây bủa làm nhếch nhác cả khu vực. Những ngày này, hầu như vỉa hè nào cũng đều bị lấn chiếm để kinh doanh buôn bán. Buổi tối, ăn theo các điểm mua sắm, dịch vụ ăn uống là sự nở rộ của bãi xe 2 bánh trái phép.
Cụ thể là tuyến đường Lê Lợi (phía trước Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn), Nguyễn Văn Tráng; Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Thủ (đoạn Hai Bà Trưng – Phùng Khắc Khoan), Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Quang Khải…
Tình trạng người lang thang ăn xin, đeo bám khách nước ngoài xuất hiện nhiều hơn tại khu vực trung tâm TPHCM, nhất là các chợ, ngã tư của các tuyến đường… Trước thực tế này, Sở LĐTB-XH TPHCM cho rằng, thời điểm từ nay đến tết, số lượng đối tượng ăn xin sẽ tăng gấp đôi so với ngày thường. Để góp phần giữ gìn an ninh trật tự và mỹ quan trên địa bàn TP, sở đề nghị các quận, huyện tăng cường rà soát, tập trung các đối tượng này. Các quận, huyện, nhất là khu vực trung tâm TP, cần thường xuyên kiểm tra, không để xảy ra tình trạng người lang thang đeo bám khách nước ngoài đến TP, đồng thời tăng cường kiểm tra các khu nhà trọ có nhiều trẻ em không có người lớn đi kèm để kịp thời phát hiện đường dây chăn dắt trẻ em, người khuyết tật ăn xin.
Về phía quận huyện, công tác ra quân trong đợt cao điểm tập trung người lang thang, ăn xin đã sẵn sàng. Tại quận 3, từ nay đến ngày 31-3, quận yêu cầu UBND và công an 14 phường đẩy mạnh công tác kiểm tra trên địa bàn, quản lý, rà soát số người sống lang thang, ngủ vỉa hè vào ban đêm, các đối tượng là người già, người tàn tật, tâm thần, trẻ bụi đời sinh sống nơi công cộng…
| |
Nhóm PV