Trẩy hội Long Vân, miễn phí vé tham quan Bảo tàng Lịch sử TPHCM

Bảo tàng Lịch sử TPHCM sẽ miễn phí vé tham quan vào các ngày 10 đến 12-2 (mùng 1, 2 và 3 Tết). Chương trình chỉ áp dụng đối với khách tham quan có nơi thường trú trên căn cước công dân là TPHCM. Học sinh các cấp đang theo học các trường trên địa bàn TPHCM cũng được miễn phí vé vào cổng bảo tàng.

425713222-892782729521516-5304539276403583206-n-9765.jpg
Trưng bày chuyên đề "Long Vân khánh hội" phù hợp để khách tham quan chụp ảnh cùng cổ phục, áo dài.

Miễn vé, tặng quà

Khách tham quan thuộc nhóm được miễn phí vé vui lòng đi vào cổng số 2 (gần Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm) và mang theo căn cước công dân/thẻ học sinh để xuất trình theo quy định. Bảo tàng sẽ không giải quyết đối với các khách tham quan không xuất trình được giấy tờ chứng minh.

Trong dịp tết này, khách tham quan Bảo tàng Lịch sử TPHCM được dịp chiêm ngưỡng trưng bày chuyên đề “Long Vân khánh hội” với hơn 100 hiện vật, thể hiện hình tượng rồng trong đời sống sinh hoạt thường ngày, rồng trong tín ngưỡng đến biểu tượng rồng trong cung đình.

423325725-889209229878866-2415089733638945669-n-7205.jpg
Khách tham quan tìm hiểu hình tượng rồng trong cung đình

Bên cạnh, xuyên suốt các ngày mở cửa trong tết, khách tham quan bảo tàng được dịp tham gia chương trình "Tìm lộc Rồng Tiên" để nhận quà đầu năm mới.

Thanh âm một triều đại

415502057-867899942009795-2114798685706775659-n-6342.jpg
Quả chuông nhà Tây Sơn trưng bày trong chuyên đề

Từ xa xưa, chuông đồng đã được liệt vào hàng “Tứ đại khí” (bốn loại kim khí lớn). Chuông đồng là hiện vật văn hóa được sản xuất nhiều trong các triều đại lịch sử Việt Nam. Đặc biệt trong chuyên đề lần này tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM có hiện vật chuông đồng - được ví như thanh âm của một triều đại - nhà Tây Sơn.

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử nhận định, quả chuông Tây Sơn tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM là một quả chuông tương đối đặc biệt. Chuông có dạng hình nơm. Toàn bộ bề mặt chuông có màu xám đen; chuông có kích thước: cao toàn bộ 98cm (riêng quai cao 26cm), đường kính miệng 48cm, chu vi thân 145cm.

Quai chuông là một đôi bồ lao đấu lưng vào nhau 4 chân ôm lấy thân chuông, đuôi hướng lên phía trên tạo dáng mây. Bồ lao có đầy đủ các bộ phận như: râu, tóc, sừng, đao lửa, miệng há rộng ngậm ngọc, lưng có kỳ, thân và chân có vẩy (quai chuông này khác biệt với quai chuông thời Lê và thời Nguyễn sau này).

423315413-889209259878863-8793039066580115321-n-4200.jpg
Khách tham quan chuyên đề

Xung quanh thân chuông (vị trí đường gân ngang) có 4 núm đánh, các núm đánh đối xứng nhau hình tròn nổi cao, đường kính 13 cm, mỗi núm có 4 chùm tia cách điệu tia sáng mặt trời (3 tia), tượng trưng cho bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông... Bốn góc của các ô chữ nhật dọc, ngang đều đúc nổi hoa dây cách điệu.

Bảo tàng Lịch sử TPHCM nhận định, căn cứ vào lạc khoản trên chuông thì quả đại hồng chung này được đúc vào thời Tây Sơn, giai đoạn vua Cảnh Thịnh năm thứ 8 (Canh Thân-1800). Không như các chuông khác thường khắc tên của nơi đặt chuông (sở hữu chuông); ba chữ Tối Linh Điện cho ta liên tưởng vị trí quả chuông có thể được đặt tại một Điện thờ Mẫu hoặc Đền thờ Thần… những kiến trúc tín ngưỡng dân gian nở rộ vào nửa cuối thế kỷ XVIII.

Căn cứ vào kiểu dáng, cách thức trang trí trên quai chuông, thân chuông có nhiều điểm tương đồng với những quả chuông khác đúc vào thời Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII (chuông chùa Hưng Long, xã Thanh Hà, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, Hải Dương; chuông làng La Chữ, xã Hương Chữ, huyện Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế; chuông chùa làng Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh…).

Tin cùng chuyên mục