Trầy trật cầu Cát Lái

Xây cầu thay cho phà Cát Lái nối TPHCM với tỉnh Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2017, nhưng đến nay vẫn còn trầy trật, chưa thể khởi công. Trong khi người dân đang mong mỏi từng ngày để không còn cảnh dãi nắng dầm mưa đợi phà, thuận tiện giao thương cho vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, thì mới đây, 2 địa phương vẫn tiếp tục đi tìm “tiếng nói chung”.
Phà Cát Lái quá tải do lượng người, phương tiện qua lại mỗi ngày càng đông
Phà Cát Lái quá tải do lượng người, phương tiện qua lại mỗi ngày càng đông

Phà tắc, đường kẹt ngày càng nghiêm trọng

Phà Cát Lái nằm trên tuyến đường huyết mạch nối TP Thủ Đức, TPHCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, liên thông với các tỉnh thành kinh tế trọng điểm Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... Chừng 10 năm trở lại đây, kinh tế phát triển mạnh, nhu cầu lưu thông trên tuyến đường tăng mạnh, bến phà và hệ thống đường dẫn 2 đầu phà thường xuyên quá tải.

“Phà tắc, kẹt đường như cơm bữa, khổ nhất là mấy ngày lễ tết. Hôm nào có hàng qua Nhơn Trạch cũng phải xin thêm phí qua phà, và ngày đó coi như chỉ được một cuốc”, anh Thanh Bảo, chuyên chạy xe ba gác máy ở khu vực vòng xoay Mỹ Thủy, TP Thủ Đức, than thở. Anh Phan Minh Tân, giám đốc một doanh nghiệp đóng ở phường Linh Trung, TP Thủ Đức, cho biết, nhà anh ở Nhơn Trạch nên ngày 2 lượt đi về, hết “chen chân” với xe container lại chờ phà. “Chỉ đoạn đường ngắn chừng 5-6km từ đường Lý Thái Tổ (Nhơn Trạch) sang Nguyễn Thị Định (TP Thủ Đức) nhiều khi mất 2-3 giờ. Ngày cuối tuần, y như kẹt phà cả 2 đầu”, anh Tân ngán ngẩm. Còn người dân sống bên đường Lý Thái Tổ (Nhơn Trạch) đã chịu cảnh cứ đến dịp lễ tết là xe cộ nối nhau hàng kilômét chờ qua phà, khói bụi xộc vào tận nhà…

Hướng từ TPHCM đi Đồng Nai cũng không khá hơn. Chị Nguyễn Thị Phúc, nhà ở phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, sau lần đi TP Vũng Tàu chơi lễ 30-4 vừa qua, đã tuyên bố: “Từ nay về sau, đi chơi lễ mà có cho tiền tôi cũng không đi phà Cát Lái”. Chị Phúc kể, 7 giờ 30, nhà khởi hành đi Vũng Tàu, khi xe đến đầu đường Đồng Văn Cống đã thấy xe cộ nối nhau kẹt cứng. Phải hơn 1 tiếng rưỡi sau, xe mới chạm đến nút giao vòng xoay Mỹ Thủy. Tính ra, gia đình tôi ngồi xe từ TP Thủ Đức đến qua được phà Cát Lái mất 4 giờ đồng hồ…

Theo một cán bộ quản lý phà Cát Lái, bến vận hành 7 chiếc phà, mỗi chuyến chở 20 ô tô, xe tải. Gần đây, số lượng người đi phà tăng dần, vào những ngày cao điểm, ước có khoảng 100.000 người qua phà. Nhu cầu đi lại đông, trong khi phà Cát Lái không còn khả năng đáp ứng. Vì thế, việc xây dựng cầu thay phà là yêu cầu cấp bách.

Cần quy chế quản lý công trình xây dựng liên tỉnh

Mới đây, Sở GTVT TPHCM và Sở GTVT Đồng Nai tiếp tục bàn thảo phương án hướng tuyến để xây dựng cầu Cát Lái. Theo đó, phương án hướng tuyến được đánh giá cao có điểm đầu giao cắt với đường Vành đai 2 tại cầu Kỳ Hà 3 và 4, đi dọc theo hành lang xanh của rạch Ngọn Ngay và vượt sông Đồng Nai sang huyện Nhơn Trạch. Sau khi sang phía Đồng Nai, tuyến đi qua khu vực đất nông nghiệp thuộc các xã Phú Hữu và Phú Đông (huyện Nhơn Trạch), cắt qua đường tỉnh 25C, kết nối với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại điểm cuối dự án.

Theo đại diện Công ty CP Tư vấn Thiết kế GTVT (đơn vị tư vấn thiết kế dự án) và lãnh đạo Sở GTVT Đồng Nai, phương án này có khối lượng giải phóng mặt bằng ít, tổng chiều dài công trình 10,6km, tổng kinh phí đầu tư thấp (gần 9.000 tỷ đồng). Trong khi Sở GTVT TPHCM cho rằng phương án này còn có một số điểm cần rà soát, đánh giá lại để điều chỉnh, bổ sung thành một phương án tối ưu. Sở GTVT TPHCM vừa có văn bản số 11543/SGTVT-XD cho rằng, cần phải nghiên cứu tổng thể giao thông khu vực để lựa chọn phương án hướng tuyến, xác định dạng thức nút giao với Vành đai 2, phương án tổ chức giao thông khu vực một cách tối ưu, đảm bảo các yếu tố kinh tế, kỹ thuật. Đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu làm rõ, xác định vị trí kết nối của các nhánh lên xuống cầu trên mặt cắt ngang đường Vành đai 2, rà soát khả năng thông hành của tuyến Vành đai 2 trên cơ sở ưu tiên các làn xe đi thẳng trên đường Vành đai 2, bảo đảm không gây ùn tắc giao thông.

Về mặt pháp lý, theo luật sư Lê Đức Thọ (Đoàn Luật sư TPHCM), sự chậm trễ và chưa có “tiếng nói chung” như trên một phần do thiếu hành lang pháp lý và quy chế phối hợp liên tỉnh. Văn bản số 631 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch giao thông TPHCM nêu rõ cầu Cát Lái có quy mô công trình “đường phố đô thị…” nhưng lại giao cho tỉnh Đồng Nai chủ trì thực hiện. “Công trình có quy mô vốn lên đến 9.000 tỷ đồng, nằm trên địa bàn 2 tỉnh thành và cùng thực hiện nhưng không có quy chế, quy định mang tính liên tỉnh. Chính vì thiếu quy định, hành lang pháp lý cho loại công trình này đã dẫn đến tình trạng vừa làm vừa xây dựng quy chế quản lý, làm cho tiến độ đã chậm càng chậm hơn. Do đó, Chính phủ cần ban hành quy chế quản lý công trình xây dựng liên tỉnh, nhằm tạo hành lang pháp lý trong công tác quản lý, điều hành chung”, luật sư Lê Đức Thọ nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 631/TTg-CN ngày 9-5-2017, chấp thuận bổ sung quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, đồng ý xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái. Cầu có chiều dài và đường dẫn khoảng 4,5km, loại đường phố chính đô thị, vận tốc 80km/giờ; mặt cắt ngang đường 40m, đảm bảo cho 6 làn xe cơ giới.

Tin cùng chuyên mục