Trên 50.000 người đã được tiêm vaccine Covid-19 an toàn

Thông tin đến các cơ quan báo chí tại TPHCM ngày 2-4,  GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết, Việt Nam vừa tiếp nhận thêm lô vaccine 811.200 liều của COVAX Facility hỗ trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và Bộ Y tế đang lên kế hoạch tiêm.

Đây là lô vaccine đầu tiên trong cam kết hỗ trợ của COVAX Facility cho Việt Nam trong số 4,176 triệu liều từ nay đến cuối tháng 5-2021. Các lô còn lại trong cam kết 30 triệu liều COVAX sẽ về đến Việt Nam vào cuối năm nay và đầu năm 2022. Hiện lô vaccine đã được gửi đến Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế để lấy mẫu kiểm định độ an toàn. Sau khi kiểm định xong, Bộ Y tế sẽ phân bổ đến các tỉnh thành, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để tiêm cho các đối tượng theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. 

GS-TS Đặng Đức Anh cho biết thêm, sắp tới, đối tượng tiêm, các điểm tiêm sẽ được mở rộng hơn. Đến nay đã có trên 50.000 người thuộc đối tượng ưu tiên trong Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26-2-2021 được tiêm vaccine Covid-19 an toàn. Số vaccine này nằm trong lô 117.600 liều giao đợt đầu tiên trong 30 triệu liều do Hãng dược AstraZeneca (Anh) sản xuất, Công ty cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) nhập khẩu về Việt Nam ngày 24-2. Số còn lại được giao thành nhiều đợt trong năm 2021 và hiện VNVC đã nhượng lại cho Chính phủ không thu lợi nhuận. 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, với mục tiêu đảm bảo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, Việt Nam cần 150 triệu liều vaccine Covid-19 để tiêm chủng cho người dân. So với nhu cầu, Việt Nam vẫn còn thiếu lượng vaccine khá lớn, do vậy rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các quốc gia, tổ chức trong việc sớm tiếp cận với các nguồn vaccine Covid-19 như Moderna, Pfizer, Johnson & Johnson...

NGUYỄN HÒA

* Thời điểm áp dụng “hộ chiếu vaccine”

Theo GS-TS Đặng Đức Anh, hiện chưa có vaccine nào có hiệu lực bảo vệ 100% người được tiêm. Đặc biệt, vaccine Covid-19 được phát triển trong thời gian ngắn, hiệu lực bảo vệ đạt 60%-90% và WHO còn đang tiếp tục đánh giá. Do đó, “hộ chiếu vaccine” là chứng nhận người đã được tiêm chủng đầy đủ và có thể di chuyển từ nước mình sang nước khác. 

Tại phiên họp Chính phủ mới đây, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu sớm ban hành cơ chế “hộ chiếu vaccine”. Đây thực chất là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine Covid-19, được điều chỉnh theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và Điều lệ Kiểm dịch y tế quốc tế. Theo đó, “hộ chiếu vaccine” cho phép người dân theo dõi lịch sử tiêm chủng của bản thân hoặc các thành viên trong gia đình qua các lần tiêm; sau khi tiêm được cấp chứng nhận tiêm và mã QR-Code xác nhận. Cùng với đó, nhân viên ngành y tế có thể cập nhật kết quả tiêm chủng cho người dân (thuộc diện tiêm chủng) lên hệ thống phần mềm. Hiện Bộ Y tế đang làm việc với các nước trên thế giới về việc chấp nhận “hộ chiếu vaccine” thông qua mã QR-Code. Khi đi ra nước ngoài, người dân được quét mã QR-Code, truy cập vào đúng nguồn dữ liệu, xác thực thông tin các mũi tiêm của người dân.

NGUYỄN HÒA

* Một số nước triển khai hộ chiếu vaccine 

Hộ chiếu vaccine, hay giấy chứng nhận tiêm vaccine Covid-19, được xem là tấm vé thông hành khi nhiều quốc gia muốn mở cửa với thế giới sau thời gian dài áp dụng các biện pháp hạn chế để ngăn đại dịch.

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên triển khai hộ chiếu vaccine dưới tên gọi Giấy chứng nhận tiêm chủng kỹ thuật số từ đầu tháng 3. Bên cạnh hình thức số hóa, loại chứng nhận này cũng được cấp bản cứng. Nhiều nước cũng triển khai hình thức tương tự. Israel áp dụng thẻ thông hành xanh - chứng chỉ có mã QR được xác nhận đã tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19 để ưu tiên dịch vụ cho những người đã tiêm chủng sau khi bắt đầu mở cửa trở lại. Một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia cũng đã lên kế hoạch áp dụng giấy chứng nhận tiêm chủng để thúc đẩy du lịch. 

Tại châu Âu, quy định về giấy chứng nhận tiêm chủng khi nhập cảnh cũng được một số quốc gia như Estonia, Gruzia, Hungary và Romania đưa ra. Tại Mỹ, các công ty công nghệ đã phối hợp các cơ sở chăm sóc sức khỏe tham gia dự án “Sáng kiến giấy chứng nhận tiêm vaccine” nhằm phát triển một loại hồ sơ điện tử cho những người đã tiêm vaccine Covid-19.

Tuy nhiên, việc công nhận hộ chiếu vaccine giữa các quốc gia vẫn là vấn đề lớn vì chưa có sự thống nhất về cách thức sử dụng loại giấy chứng nhận này. Ngoài ra, còn có vấn đề về bảo đảm dữ liệu cá nhân trong hộ chiếu. Hiện 4 hãng hàng không Air New Zealand, Singapore Airlines, Qatar Airways, Malaysia Airlines đã thử nghiệm hộ chiếu vaccine kỹ thuật số trên các đường bay quốc tế. Kế hoạch được triển khai dựa trên ứng dụng do Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) phát triển. Ứng dụng sẽ lưu trữ thông tin y tế của hành khách, bao gồm lịch sử xét nghiệm và tiêm vaccine nhằm hỗ trợ công tác thông hành.

PHƯƠNG NAM 

Tin cùng chuyên mục