Mặc dù Bộ Y tế đã có quy định về việc thanh toán trực tiếp chi phí cùng chi trả vượt quá 6 tháng lương cơ sở, cũng như nêu rõ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) 5 năm liên tục trở lên. Thế nhưng, thực tế trong thời gian qua, việc thanh toán BHYT vẫn còn nhiều bất cập, thủ tục nhiêu khê và “treo” quyền lợi của người bệnh.
Đóng trên 5 năm vẫn phải…đồng chi trả
Ôm một đóng hồ sơ giấy tờ chạy lên chạy xuống để làm thủ tục thanh toán BHYT cho chồng, chị Đ.T.K.P. (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) ngao ngán: “Cả năm trời nay chạy tới chạy lui, hết giám định, thẩm định kiểu này kiểu nọ, cuối cùng vẫn chưa được thanh toán BHYT theo đúng những gì người bệnh được hưởng”. Sự việc là ở chỗ vào tháng 1-2016, chồng chị P., anh T.D.T. bị bệnh, được chẩn đoán bướu ác của phế quản và phổi. Bệnh nhân T. đã đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại Bệnh viện quận Bình Thạnh và có thời gian tham gia BHYT liên tục từ hơn 5 năm qua. Sau đó, bệnh nhân T. được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM điều trị cho đến tháng 8-2016. Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, việc khám chữa bệnh và chuyển viện là đúng tuyến. Tuy nhiên, rắc rối ở chỗ khi tiến hành thanh toán viện phí và các chi phí điều trị, người nhà bệnh nhân T. được yêu cầu thanh toán phần chi phí chênh lệch 20% với tổng số tiền lên đến gần 167 triệu đồng.
Bệnh nhân BHYT tại một bệnh viện ở TPHCM
Sau khi đóng tiền, người nhà bệnh nhân T. mới nghiên cứu lại và được biết theo quy định tại công văn số 5544/BYT-BH ngày 19-7-2016 của Bộ Y tế gửi Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thì bệnh nhân đã đóng BHYT 5 năm liên tục trở lên không phải đóng thêm phần cùng chi trả (trong trường hợp bệnh nhân T. là cùng chi trả 20% - PV). Để làm sáng tỏ quyền lợi được hưởng và đòi thanh toán lại chi phí đồng chi trả, vợ bệnh nhân T. đã phải chạy đôn chạy đáo lên BHXH TPHCM để làm thủ tục giám định chi phí khám chữa bệnh, xin cấp giấy xác nhận miễn đồng chi trả trong năm… Nhưng rốt cuộc đến nay quyền lợi vẫn bị “treo”, chi phí đồng chi trả chưa được trả lại. “Sắp hết năm tài chính, quyền lợi đã được quy định rõ ràng, vậy mà người bệnh vẫn chịu thiệt”, chị P. ấm ức.
Thực tế, không chỉ trường hợp bệnh nhân T. nói trên mà ghi nhận cho thấy hàng ngàn trường hợp khác cũng đang rơi vào tình trạng tương tự. Đó là bệnh nhân đã tham gia BHYT trên 5 năm liên tục nhưng vẫn phải thanh toán phần đồng chi trả bất hợp lý. Trong khi, theo quy định tại công văn số 5544/BYT-BH, trường hợp các cơ sở y tế đã xác định được số lũy kế chi phí cùng chi trả trong khám chữa bệnh BHYT trong năm có số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (tương tương hiện nay 7.260.000 đồng) đối với người bệnh đã có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, thì cơ sở y tế không thu thêm chi phí cùng chi trả của người bệnh. Trường hợp cơ sở y tế không xác định được số lũy kế chi phí cùng chi trả trong khám chữa bệnh trong năm tại thời điểm có mức chi phí lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì người bệnh tự thanh toán phần cùng chi trả, sau đó mang hóa đơn, chứng từ đến Bảo hiểm xã hội để được thanh toán lại.
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Mặc dù Bộ Y tế đã có quy định rõ ràng tại công văn 5544/BYT-BH như trên, nhưng thực tế BHXH Việt Nam chưa hướng dẫn thi hành một cách cụ thể, khiến cho người bệnh có nguy cơ mất quyền lợi. Trong nội dung trả lời phiếu báo tiếp công dân mà BHXH TPHCM trả lời cho người nhà bệnh nhân T.D.T. nói trên vào ngày 6-10-2016, thì lý do chưa thanh toán lại chi phí đồng chi trả vì “Hiện nay chưa có công văn hướng dẫn của BHXH Việt Nam về việc thanh toán lại chi phí đồng chi trả theo công văn 5544 của Bộ Y tế”. Vậy nhưng, trả lời báo giới, bà Mai Thị Kiều Lâm, Phó trưởng phòng Chế độ BHYT (BHXH Việt Nam), cho rằng khi người tham gia BHYT đã có thời gian tham gia 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh đúng tuyến trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì được cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm. Và khi được cấp giấy chứng nhận này, người tham gia BHYT không phải thanh toán phần cùng chi trả 5% hoặc 20% chi phí khám chữa bệnh. Đồng thời, khi được cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm thì cũng không phải chi trả phần chi phí cùng chi trả cho các loại thuốc quy định tại Thông tư 40/2014/TT-BYT. Chẳng hạn ở trường hợp bệnh nhân T.D.T. nói trên, sử dụng thuốc Iressa 250mg (Gefitinib) được quỹ BHYT chỉ thanh toán 50%, còn lại 50% bệnh nhân phải đóng. Nhưng khi giám định bệnh nhân T. đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm thì không phải đóng thêm 50%. Theo chị Đ.T.K.P. (vợ bệnh nhân T.) thì riêng khoản đóng thêm 50% cho thuốc Iressa 250mg đã hơn 130 triệu đồng. “Về quyền lợi thì bệnh nhân T. phải được hưởng, không phải đóng nhưng bệnh viện bắt phải đóng”, chị P. bức xúc.
Mặc dù quy định của Bộ Y tế đã rõ về quyền lợi được hưởng của người tham gia BHYT trong thời gian 5 năm liên tục trở lên, nhưng đến nay BHXH Việt Nam vẫn chưa hướng dẫn rõ để các địa phương vận dụng. Theo các chuyên gia y tế, năm tài chính sắp hết, nếu không nhanh chóng thực thi thì quyền lợi của hàng ngàn người bệnh bị mất. Trong đó, nhiều trường hợp phải ngậm ngùi mất hàng trăm triệu đồng như bệnh nhân T., mà đáng lý ra cơ quan BHXH phải thanh toán lại.
TƯỜNG LÂM
| |