
Trưa cái ngày định mệnh hôm ấy, anh Võ Văn Quyền đã lao vào biển lửa nóng ngùn ngụt để bế một cụ bà, kéo 2 cháu nhỏ thoát khỏi cái chết, nhưng bản thân anh không bao giờ trở về với gia đình nhỏ của mình, nơi có người mẹ già, người vợ trẻ và 5 đứa con thơ dại đang đợi anh. 49 ngày sau buổi trưa định mệnh ấy, tôi trở lại nhà Quyền…

Gia đình Quyền trong những ngày hạnh phúc nhất.
Tại căn nhà nhỏ (88/11/14Bis Nguyễn Khoái, KP2, P2, Q4, TPHCM), trước bàn thờ nghi ngút khói và trong di ảnh là gương mặt sáng sủa, ánh mắt hiền từ của người quá cố, tôi hỏi bà cụ Ngọ - mẹ anh: “Sao bác không giữ Quyền lại, đừng cho lao vào đám cháy?” Bà Ngọ khóc rưng rức: “Thấy cháy là nó chạy vào dập liền cậu ơi, năm 2001 nó cứu được một người thoát chết cháy đó. Nó có hiếu lắm, cứ biểu tui, má lớn tuổi rồi, nghỉ bán rau đi, đi đường lỡ có mệnh hệ gì bỏ tụi con. Cho nên một tháng 15 ngày ở nhà (anh Quyền là tài xế chạy tuyến Việt Nam - Campuchia thuộc Tập đoàn Mai Linh - PV) là nó bóp chân cho tui đủ 15 ngày”. Giọt nước mắt chảy xuôi trên gò má bà Ngọ, len vào những vết nhăn trên mặt, trên mũi rồi nhỏ xuống đất!
Chồng bỏ theo vợ khác, bà Ngọ ngày ngày mua rau ở bến sông rồi tất tả gánh từ quận 4 ra chợ Cô Giang buôn bán. Trong số 7 đứa con, bà Ngọ thương Quyền nhất, bởi “nó mở mắt là “mồ côi” cha nên thiếu thốn tình cảm dữ lắm!”.
Anh xe ôm hàng xóm kể: “Sáng nào ra ngõ uống cà phê, anh Quyền cũng biểu tui đem tô hủ tíu về nhà cho bà già. Thấy ảnh có hiếu ai cũng phục!”. Cũng có lẽ vì thiếu cha nên Quyền dồn hết tình yêu thương cho mẹ và gia đình nhỏ.
Thấy hai đứa cháu bên vợ bơ vơ như mình khi xưa, Quyền nhận nuôi luôn. Cả 8 người trong nhà đều trông cậy chủ yếu vào thu nhập của Quyền. Thế mà hôm nay, gia đình nhỏ tràn ngập tiếng cười ấy chỉ còn lại 7 khẩu mà chẳng biết trông dựa vào đâu.
Thay cho tiếng cười giòn tan của con trẻ là tiếng nấc nghẹn, u uất. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Hạnh, kể: “Ảnh chết đi bỏ lại mẹ con em cô đơn quá. Thằng con nhỏ nhất, thằng Triết, mới thôi nôi sau ngày ba nó mất 1 tuần. Ai hỏi ba đâu, cháu chỉ lên tấm hình trên bàn thờ”.
Hàng xóm kể lại hôm đám cháy xảy ra, Quyền là người lao vào đám khói mù mịt trước tiên. Độ 3 phút sau, anh cõng bà cụ Hai chạy bộ 100m ra đặt trước cửa nhà mình, rồi lại lao vào bên trong. Bà Hai kể: “Nó ẵm tui ra mà thở hồng hộc, tui khóc nói coi chừng cháy hết tiền bạc, giấy tờ, nó la tui “sống trước đã rồi tính, bà Hai ơi” rồi chạy tiếp vào đống lửa cứu thêm hai đứa con nít khác”.
Họ kể rất nhiều về Quyền. Tôi mường tượng ra chàng thanh niên khỏe mạnh, 39 tuổi, cao 1,65m, nặng gần 70kg đang hì hụi khuân cát, xi măng đi ngoằn ngoèo theo những con hẻm nhỏ xíu, ra đến mé sông Xóm Cầu trút xuống.
Đó là chuyện của 10 năm về trước, lúc Quyền thấy tình cảnh một người hàng xóm nghèo bị chết nhưng không có chỗ đặt quan tài, anh bèn đi vận động rồi bỏ tiền ra tráng xi măng một khoảng đất sình ven Xóm Cầu để “xài chung”. Bây giờ khoảnh xi măng ấy vẫn còn, các gia đình nghèo khi có ma chay vẫn sử dụng và họ đang khóc với tôi, khi nhắc đến anh.
Cũng có những kỷ niệm chỉ cách đây vài năm, khi ấy Quyền tròn 33 tuổi. Ngọn lửa trong xóm nhỏ này cũng bốc lên cao, gió mang hơi nóng và vụn than bắn tung tóe. Và cũng là Quyền, anh cứu được một cụ già, rồi anh còn leo lên mái tôn bên cạnh đám cháy để xịt nước chữa lửa.
Vào cái ngày xảy ra đám cháy lớn tang tóc hôm ấy, sau khi lao vào nguy hiểm cứu 3 mạng người, Quyền chạy nhanh về nhà. Thấy bà Ngọ và vợ đang đứng xớ rớ, Quyền la to: “Má ơi chạy đi, cháy lớn lắm rồi. Hạnh, bồng con chạy lẹ lên em”.
Nói rồi Quyền hai tay vừa xô, vừa lôi, vừa đẩy những người thân của mình thoát hiểm. Chạy đến nửa chừng, bà Ngọ thấy thân mình của con trai bỗng đè lên lưng, nặng trĩu. Chị Hạnh thấy chồng lảo đảo té xuống, khóc rống lên. Anh trút những hơi thở nấc nghẹn, và niềm hy vọng của mọi người tắt ngấm khi y tá Bệnh viện Đa khoa quận 4 báo: “Bệnh nhân chết trước khi vào đây”.
49 ngày sau buổi trưa tang tóc ấy, tôi trở lại nhà anh. Cũng từng là đứa trẻ mồ côi cha, nhìn ánh mắt ngơ ngác của những đứa trẻ mồ côi con anh, trái tim tôi tan nát. Đốt một nén nhang cho anh, trong niềm thương mến, cảm phục, tôi biết rằng không có nhiều người dám sống hết mình vì mọi người như anh, nhưng tôi hy vọng sẽ có nhiều bạn đọc hảo tâm sẵn sàng mở lòng với vợ con anh, giúp đỡ vật chất và động viên tinh thần để họ vượt qua nỗi khó khăn cơ cực khi vĩnh viễn không còn chỗ dựa cho cả gia đình…
Dương Minh Anh