Những năm qua, Thành ủy Đà Nẵng đã tập trung lãnh đạo, ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức. Nhờ đó, sau 25 năm trở thành TP trực thuộc Trung ương, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ TP Đà Nẵng đã có bước phát triển nhanh về số lượng lẫn chất lượng.
Hơn 300.000 người có trình độ Đại học trở lên
Tại tọa đàm, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho biết, công tác xây dựng đội ngũ trí thức được Đảng đặc biệt quan tâm và thể hiện xuyên suốt trong nội dung văn kiện các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Những năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy TP Đà Nẵng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức TP Đà Nẵng, trong đó trọng tâm là Chương trình hành động số 32-CTr/TU ngày 25-10-2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chương trình số 36-CTr/TU ngày 13-01-2020 về triển khai Chuyên đề “Phát triển công nghiệp công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tầm quốc gia, là khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao”.
Sau 25 năm cống hiến và trưởng thành, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ TP Đà Nẵng đã có bước phát triển nhanh chóng về số lượng, nâng cao về chất lượng, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng các nghiên cứu vào thực tiễn.
“Kết quả của sự nỗ lực bền bỉ ấy đã góp phần định vị Đà Nẵng như một trung tâm kinh tế - xã hội - công nghệ của khu vực, tạo nên bản sắc đô thị hạt nhân với các xung lực phát triển mới”, ông Lương Nguyễn Minh Triết nhìn nhận.
Trong 25 năm qua, nhất là giai đoạn 2015-2019, Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật đã tổ chức phản biện khối lượng lớn đồ án quy hoạch đô thị, như Quy hoạch chuyên ngành hệ thống hạ tầng kỹ thuật của TP Đà Nẵng, 7 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, các đồ án cho các khu công nghiệp, các cuộc thi quốc tế quy hoạch kiến trúc TP, đồ án quy hoạch chung TP đến năm 2030 tầm nhìn 2050,… Ngoài ra, đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ còn tham gia đào tạo nguồn nhân lực, góp phần nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài; đào tạo thế hệ trẻ và phổ biến kiến thức khoa học - công nghệ.
Cần chính sách thu hút, giữ chân nhân tài
TP Đà Nẵng chỉ có thể là hạt nhân, động lực của vùng, đất nước khi thực sự có đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển cho các ngành mũi nhọn (công nghệ cao, CNTT,…).
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, phát triển nguồn nhân lực cần gắn kết mật thiết, chặt chẽ với giáo dục đào tạo, trong đó giáo dục phổ thông là nền tảng, đảm bảo “đầu vào” cho giáo dục Đại học. Trong quá trình này, cần sớm định hướng, triển khai giáo dục STEM, khuyến khích phương thức cho học sinh học tập trải nghiệm, nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ, tin học, qua đó sớm hình thành năng lực, tư duy đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên từ bậc phổ thông; tập trung đào tạo tinh hoa, tư vấn và hướng nghiệp, thu hút tuyển sinh học sinh giỏi lựa chọn học các ngành mũi nhọn mà TP Đà Nẵng đang cần đến.
Còn theo GS.TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cái quý của đội ngũ trí thức ở TP Đà Nẵng là tập hợp được lực lượng những người đã từng trải trong cuộc sống qua nhiều thời kỳ, bên cạnh đó là trí thức thế hệ trẻ được đào tạo nhiều năm ở nước ngoài. Đây là lợi thế cạnh tranh của Đà Nẵng nói riêng và các thành phố lớn nói chung, không phải địa phương nào cũng có.
Bên cạnh đó, hiện chưa có công cụ tự động phân tích dữ liệu hữu hiệu thì các cơ quan hoạch định chính sách cần phải nghe và tổng hợp ý kiến tư vấn của giới trí thức để rút ra những giá trị cần có. Để góp ý hiệu quả, Liên hiệp hội nên thống kê, tìm hiểu công trình và lĩnh vực hoạt động của từng thành viên đội ngũ trí thức và phân nhóm, như nhóm môi trường, quy hoạch đô thị, giao thông,... Khi địa phương cần góp ý kiến trong lĩnh vực nào thì các nhóm chuyên môn này sẽ tham gia chủ yếu.
“Khi có điều kiện mà không tham gia góp ý kiến là trách nhiệm của người trí thức; nhưng không tạo điều kiện phù hợp để người trí thức góp ý kiến thì trách nhiệm thuộc về người làm chính sách”, GS.TSKH Bùi Văn Ga nhìn nhận.
Đề cập đến việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, theo ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cái khó của địa phương là cơ chế đảm bảo giữ chân nhân tài phục vụ cho địa phương chưa mang lại hiệu quả mong muốn. Đơn cử, địa phương muốn thu hút những nhân tài tốt nghiệp ở nước ngoài nhưng hiếm có chính sách, cơ chế nào thực sự đảm bảo cho họ chắc chắn phục vụ ở địa phương hay những bất cập trả lương theo ngạch bậc... Vì vậy, ông đề xuất TP Đà Nẵng chọn một số ngành, lĩnh vực mà địa phương có thể “đong đếm” được những sản phẩm và đãi ngộ bằng cơ chế giá trị sản phẩm đó cũng như chấp nhận theo cơ chế đặt hàng.