Cơ hội rộng mở
Theo Sở Công thương tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.215 DN chế biến gỗ đang hoạt động, trong đó có 905 DN trong nước với tổng vốn đăng ký 10.839 tỷ đồng và 310 DN nước ngoài có tổng vốn đăng ký 2,3 tỷ USD. Tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực này khoảng hơn 250.000 lao động, trong đó lao động giản đơn theo mùa vụ chiếm khoảng 40 đến 45%.
Năm 2018, kim ngạch XK các sản phẩm từ gỗ và lâm sản vượt ngưỡng 9,3 tỷ USD, chiếm trên 25% kim ngạch XK toàn ngành nông nghiệp với giá trị xuất siêu đạt trên 7,1 tỷ USD, trong đó Bình Dương xuất siêu 1,8 tỷ USD và trong quý 1-2019 cũng là ngành có giá trị xuất siêu cao nhất của Bình Dương.
Vốn có có truyền thống làm gỗ, trong đó có các làng nghề Biên Hòa lâu đời với đội ngũ thợ giỏi, có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển sản xuất và quản lý nên DN Đồng Nai tự tin hoàn toàn cạnh tranh sòng phẳng với các DN nước ngoài, nhất là các DN FDI trên địa bàn tỉnh.
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), nhận định: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ 30-12-2018 đã mở ra những cơ hội lớn cho ngành gỗ Việt Nam, trong đó đặc biệt là việc mở rộng thị trường, thuế suất gần như về 0% ở 11 nước thành viên CPTPP… Đây chính là cơ hội lớn để các DN trong nước giảm phụ thuộc vào một số quốc gia như Mỹ và châu Âu.
Một số thị trường mới mà các DN Việt Nam có cơ hội thâm nhập khi thuế suất giảm mạnh như: Nhật Bản, Canada, Mexico hay trong khu vực như Indonesia, Malaysia…
Điển hình như theo cam kết, Hiệp định CPTPP có hiệu lực sẽ giúp cắt giảm 86% tổng số dòng thuế nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản, trong khi nước ta hiện là thị trường cung cấp sản phẩm gỗ lớn thứ 2 vào quốc gia này (sau Trung Quốc) sẽ giúp các DN gia tăng lợi nhuận, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm.
Với thị trường Canada, khi CPTPP có hiệu lực sẽ là cơ hội cho các sản phẩm ngành gỗ như: ván sàn, gỗ thanh... bởi mức thuế 3,5% sẽ được xóa bỏ hay như các sản phẩm ván dán, ván ghép, khung tranh, khung cửa, đặc biệt là đồ nội thất cũng có cơ hội “vươn” sang thị trường Canada khi mức thuế nhập khẩu thời điểm trước đây là từ 6-9,5% tại thị trường này về 0%.
Cần tăng cường liên kết
Mặc dù thị trường quốc tế đang rộng mở nhưng việc tranh thủ được hay không lại tùy thuộc vào mỗi DN. Nhìn về nhiều năm trước, các DN trong ngành tại Bình Dương đi từ quy mô nhỏ lẻ, vốn đầu tư ít với nguồn lao động có năng suất thấp và đa số sử dụng công nghệ còn lạc hậu, khả năng cạnh tranh và tiếp cận khách hàng còn hạn chế nên trước cơ hội gia nhập thị trường lớn không phải đơn vị nào cũng bắt kịp.
Bài toán khó nhất đối với các DN tại Bình Dương, Đồng Nai hiện chính là năng lực sản xuất và khâu quản trị, chất lượng nhân sự. Ví dụ, một DN có khả năng sản xuất 100 sản phẩm mỗi ngày nhưng khi có đơn hàng cần sản xuất gấp đôi hoặc nhiều hơn thì không thể xoay trở kịp, trong khi năng suất làm việc của lao động hiện đang ở mức rất thấp (có thể chỉ hơn Lào và Campuchia).
Vì vậy, việc đào tạo nhân lực có chuyên môn, tay nghề để cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm phải đặt lên hàng đầu trước khi tính đến chuyện tăng sản lượng để đảm bảo uy tín và các mối quan hệ hợp tác lâu dài.
Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu (chủ yếu là gỗ cao su và tràm) cần phải dồi dào hơn, có chất lượng tốt hơn để có thể vừa XK sản phẩm chế biến, vừa xuất khẩu gỗ thô cho các quốc gia có nhu cầu.
Về xúc tiến thương mại cũng có những khó khăn nhất định khi Việt Nam hiện chỉ có Trung tâm thương mại (TTTM) Phú Mỹ Hưng (quận 7, TPHCM) nhưng quy mô cũng rất nhỏ (khoảng 28.500m2) nên diện tích trưng bày sản phẩm và các gian hàng tương đối ít, trong khi ở các nước khác như Singapore có TTTM rộng 120.000m2, Quảng Đông (Trung Quốc) với TTTM hơn 400.000m2