Triệt gốc tham nhũng

Tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) chuẩn bị triển khai quy định không cho phép những người có vợ hoặc chồng hoặc con cái sống ở nước ngoài giữ các vị trí quan trọng trong chính quyền. Đây được xem là một biện pháp chống tham nhũng. Theo tờ China Daily, từ đầu năm tới nay, mặc dù chưa có quy định chính thức song tỉnh Quảng Đông đã buộc thôi việc 850 quan chức chính quyền có gia đình ở nước ngoài.

Theo những nhà hoạch định chính sách của tỉnh này, các quan chức khi có người thân ở nước ngoài thường có xu hướng đưa tiền tham nhũng ra nước ngoài sau đó cùng gia đình sang định cư ở nước ngoài.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm ngoái đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng. Tỉnh Quảng Đông, giáp biên giới Hồng Công, có truyền thống di cư với tỷ lệ cao trên khắp thế giới. Chính vì vậy, nơi này trở thành trọng tâm của chính sách ngăn chặn quan tham bay ra nước ngoài.

Quy định mới của tỉnh sẽ cấm những người có thân nhân ở nước ngoài giữ các chức vụ hàng đầu trong các cơ quan, tổ chức chính quyền, các tổ chức nhân dân và các doanh nghiệp nhà nước. Những người thuộc diện này cũng sẽ không được phép giữ các vị trí quan trọng và nhạy cảm liên quan đến an ninh, tài chính, quản lý tài chính, nguồn nhân lực, kế toán.

Như vậy, trước khi được đề bạt, mọi công chức sẽ phải báo cáo trung thực tình trạng gia đình, hôn nhân, tài sản, hồ sơ kỷ luật cũng như chi tiết về nghề nghiệp và nơi ở của vợ (chồng) và con.

Nhiều quan chức đã dùng tiền mua “quốc tịch” tại một quốc gia châu Phi xa xôi cho người thân cốt là để lấy được tiêu chuẩn cho phép đầu tư 10 triệu dollar Hồng Công (1,28 triệu USD) vào đặc khu này để được hưởng quyền công dân của Hồng Công. Theo quy định của Hồng Công để tránh rửa tiền, những cá nhân từ Trung Quốc đại lục không được hưởng quy định này.

Zhang Jin’gen, giáo sư Đại học Tôn Dật Tiên, cho rằng quy định mới ở Quảng Đông là biện pháp hữu hiệu để chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh. “Loại bỏ các quan chức có người thân ở nước ngoài giữ những vị trí chủ chốt có thể làm giảm nguy cơ tham nhũng”, ông nói. Tuy nhiên, theo ông, tốt hơn nên ủy quyền cho một bên thứ ba độc lập để điều tra hồ sơ của các nhân viên nhà nước trước khi bổ nhiệm chứ không phải chỉ dựa vào lời khai của họ. Chính quyền địa phương cần thiết lập các tiêu chuẩn cụ thể để kiểm tra các thông tin của những quan chức có thể có người thân ra nước ngoài sau khi họ được bổ nhiệm.

Hơn nữa, ông Zhang giải thích rằng các điều khoản trong quy định dự thảo yêu cầu cán bộ thuộc diện trên công bố công khai các tài liệu trong một phạm vi nhất định có nghĩa là những thông tin sẽ chỉ được tiết lộ trong bộ phận tổ chức các ban Đảng. Theo ông, các tài liệu này cần được chia sẻ với công chúng để người dân có thể giám sát các hoạt động của chính quyền, cũng như dễ phát hiện các quan chức như vậy.

Bước đi của chính quyền tỉnh Quảng Đông nằm trong chiến dịch của Trung Quốc ngăn chặn quan tham chạy ra nước ngoài mang theo tiền tham nhũng làm nước này thiệt hại gần 200 tỷ USD (tính đến năm 2013). Trung Quốc cũng đã ký kết hiệp định dẫn độ quan tham với nhiều nước song các khu vực như châu Phi, Mỹ Latinh, tuy nhiên các quốc gia Đông Âu vẫn còn là những miền đất hứa của các quan tham.

THỤY VŨ 

Tin cùng chuyên mục