Một tháng sau vụ thử hạt nhân thứ 4, với tuyên bố đó là một quả bom nhiệt hạch (bom H), CHDCND Triều Tiên đã phóng một tên lửa mang vệ tinh vào ngày 7-2. Mỹ, Hàn Quốc và nhiều nước xem đây là một thử nghiệm công nghệ tên lửa tầm xa mà Triều Tiên bị Liên hiệp quốc cấm.
Cảnh phóng tên lửa chiếu trên truyền hình CHDCND Triều Tiên ngày 7-2-2016. Ảnh: Yonhap
Hôm 2-2, Triều Tiên công bố khung thời gian phóng tên lửa mang vệ tinh từ ngày 8 đến 25-2, nhưng đến ngày 6-2 đã thay đổi khung này từ ngày 7 đến 14-2, được cho là nhằm lợi dụng thời tiết tốt vào ngày 7-2.
Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ ngày 7-2 cho biết đã phát hiện một tên lửa bay vào không gian. Quân đội Hàn Quốc cho biết tên lửa Triều Tiên đã đưa một vật thể vào quỹ đạo.
Mỹ và các đồng minh như Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên phóng tên lửa mang vệ tinh để thử nghiệm công nghệ tên lửa tầm xa nhằm phát triển một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân bay tới nước Mỹ.
Hình ảnh trên truyền hình CHDCND Triều Tiên ngày 7-2-2016 cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un quan sát cảnh phóng tên lửa. Ảnh: Yonhap
Theo AP, nghi ngờ này dựa trên thực tế rằng Bình Nhưỡng đã công khai thúc đẩy sản xuất tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công lục địa Mỹ, trong lúc công nghệ phóng tên lửa mang vệ tinh vào không gian có thể áp dụng để phóng tên lửa tấn công tầm xa.
Theo các chuyên gia, một tên lửa bay lên quỹ đạo mất chưa đến 10 phút, trong lúc mất khoảng 30 phút để bay từ Triều Tiên tới Mỹ.
Sau nhiều lần thất bại, vào tháng 12-2012, Triều Tiên đã thành công đưa một vệ tinh vào quỹ đạo bằng tên lửa 3 tầng Unha-3 của mình.
Ngày 7-2, Cơ quan Không gian Triều Tiên cho biết đã đưa thành công một vệ tinh quan sát trái đất mới có tên Kwangmyongsong 4 (Sao Sáng 4) vào quỹ đạo sau khi phóng chưa tới 10 phút và cho biết sẽ có thêm nhiều lần phóng như vậy.
Các quan chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết, một tên lửa Triều Tiên phát triển trước tên lửa Unha-3 có tầm hoạt động ước khoảng 10.000 km, tức có thể bay tới Hawaii và bờ biển Tây Bắc nước Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia nói Triều Tiên vẫn còn một số rào cản kỹ thuật trước khi có vũ khí hạt nhân đủ khả năng tấn công các mục tiêu ở xa. Trong đó, điều quan trọng là xây dựng một tên lửa lớn hơn, bay xa hơn và mang theo một vệ tinh nặng hơn hoặc tải trọng lớn hơn. Một tên lửa Triều Tiên có thể bay tới cả nước Mỹ và mang đầu đạn hạt nhân sẽ nặng hơn nhiều so với tên lửa mang vệ tinh phóng năm 2012.
Tên lửa Unha-3 năm 2012 cao khoảng 30m và mang vệ tinh Kwangmyongsong-3 nặng khoảng 100 kg. Kích thước tên lửa và vệ tinh Triều Tiên phóng ngày 7-2 chưa được công bố.
Theo các nhà phân tích, chuyến bay thành công của một tên lửa mang vệ tinh nặng khoảng 1 tấn có nghĩa là Triều Tiên có khả năng phát triển một tên lửa tầm xa mang vũ khí hạt nhân.
Trong lần phóng tên lửa tầm xa vào tháng 12-2012, Triều Tiên nói để đưa một vệ tinh viễn thông vào quỹ đạo, nhưng chưa từng có tín hiệu nào của vệ tinh này được phát hiện.
Sau lần phóng tên lửa đó, Triều Tiên đã nâng cấp bãi phóng Sohae. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy vào cuối năm 2014 tháp phóng đã được hoàn tất mở rộng cho các tên lửa lớn hơn.
Cục Phát triển Hàng không vũ trụ Triều Tiên gọi việc phóng tên lửa mang vệ tinh ngày 7-2 là "một cột mốc lịch sử phát triển năng lực khoa học, công nghệ, kinh tế và quốc phòng của đất nước bằng cách thực thi hợp pháp quyền sử dụng không gian vì mục đích hòa bình và độc lập".
Theo Reuters, Triều Tiên được cho là đang tìm cách thu nhỏ một đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng cần nhiều thời gian để nước này hoàn thiện công nghệ đó.
Triều Tiên đã công bố 2 phiên bản của một tên lửa đạn đạo, giống loại có thể bay tới bờ biển phía Tây nước Mỹ, nhưng chưa có bằng chứng các tên lửa này đã được thử nghiệm.
THIỆN NGUYỄN