Trợ lực để ngành logistics TPHCM “cất cánh”

Chiều 14-4, Cục Hải quan TPHCM phối hợp với Hiệp hội Logistics TPHCM tổ chức hội nghị  “Cục Hải quan TPHCM và cộng đồng doanh nghiệp đồng hành, chung tay phục hồi kinh tế” và tọa đàm “Logistics TPHCM cất cánh”. Mục đích nhằm đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung.  

Thống kê của Cục Hải quan TPHCM, năm 2021 mặc dù bị tác động rất lớn bởi đại dịch nhưng sức phục hồi hoạt động xuất nhập khẩu của TPHCM rất lớn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tính đến 31-12-2021 Cục Hải quan thực hiện đạt 127,33 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2020 đạt 116,28 tỷ USD. 

Nếu không tính tác động của đại dịch, dự kiến đến năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá thông qua thành phố dự kiến đạt khoảng 165 tỷ USD (xuất khẩu đạt 80 tỷ USD, nhập khẩu đạt 85 tỷ USD). Thu ngân sách nhà nước của Cục Hải quan TPHCM có thể đạt 130.000 tỷ đồng vào năm 2025 và 147.000 tỷ đồng vào năm 2030.

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, đánh giá dù đạt tốc độ phát triển nói trên, nhưng chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng logistics tại TPHCM vẫn chưa đáp ứng quy mô tăng trưởng hàng hoá. Hạ tầng giao thông chưa đạt quy hoạch tổng thể của Chính phủ khiến cho dịch vụ logistisc chưa thể phát triển đúng tiềm năng. Với vị trí là cửa ngõ thông thương quốc tế của Đông Nam Bộ, logistics đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của TPHCM và đây cũng chính là cánh tay nối dài của ngành Hải quan để hỗ trợ, tạo động lực cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. 

Trợ lực để ngành logistics TPHCM “cất cánh” ảnh 1 Ông Đinh Ngọc Thắng phát biểu tại buổi tọa đàm chiều 14-4
Để ngành Logistics thành phố phát triển là ngành tỷ USD, Cục Hải quan TPHCM cam kết sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác đối tác, luôn đồng hành giữa cơ quan Hải quan với cộng đồng doanh nghiệp.

Về phía ngành công thương, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM chỉ ra rằng điểm yếu của ngành logistics hiện nay chính là trên 90% doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; phần lớn chỉ cung cấp dịch vụ cơ bản, đơn lẻ. Tiềm lực tài chính yếu (khoảng 90% doanh nghiệp có vốn điều lệ vài tỷ đồng); mức độ đầu tư công nghệ thông tin hiện đại còn kém...  

Trước thực trạng này, ông Bùi Tá Hoàng Vũ đưa ra các giải pháp để thúc đẩy ngành logistics “cất cánh”, bao gồm phát triển hệ thống trung tâm logistics; chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực; xúc tiến sử dụng dịch vụ logistics; hợp tác, liên kết vùng; các giải pháp bổ trợ khác như hỗ trợ vay kích cầu...

Tin cùng chuyên mục