Trời mát bệnh nhân nhập viện vẫn cao

  • TPHCM: Số ca mắc bệnh tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2007

Ngày 30-5, đợt nắng nóng gay gắt kéo dài suốt tuần qua ở Bắc bộ và Trung bộ đã chấm dứt do ảnh hưởng rãnh thấp gây mưa kết hợp với khối không khí lạnh. Tuy nhiên, số người lớn và trẻ em bị  mắc bệnh do ảnh hưởng của những ngày nắng nóng vừa qua vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Theo Bộ Y tế, không chỉ có các bệnh viện lớn ở Hà Nội như Bạch Mai, Nhi trung ương, Xanh Pôn quá tải mà một số bệnh viện tại địa phương cũng đã rơi vào tình trạng tương tự. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, trong những ngày nắng nóng đã có trên 4.000 lượt bệnh nhân tới khám, trong đó số trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp và sốt tăng khá mạnh. Cũng tại Quảng Ninh đã có hơn 120 trẻ bị bệnh chân - tay – miệng, nhưng may mắn là hầu hết ở thể nhẹ.

Trong khi đó, tại khu vực miền Trung, nhất là Bệnh viện Đà Nẵng, số trẻ mắc viêm phổi và viêm não tăng khoảng 30%, cùng với đó số người lớn bị tai biến mạch máu não và cao huyết áp cũng tăng mạnh do thời tiết nóng.

Trong ngày, số bệnh nhân trẻ em tới Bệnh viện Nhi trung ương khám và điều trị do các bệnh về đường hô hấp, sốt virus tiêu chảy, viêm não và chân – tay -  miệng vẫn khoảng 1.000 ca. Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân là người ngoại tỉnh tới, chủ yếu là người lớn tới khám cũng lên hơn 1.500 người.

Ngày 30-5, Sở Y tế TPHCM đã chủ trì cuộc họp cùng y tế dự phòng các quận huyện về công tác phòng chống dịch bệnh tay- chân- miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH) đang diễn ra phức tạp trên địa bàn TP. Theo báo cáo của Sở Y tế, từ đầu năm đến nay đã có hơn 3.087 ca mắc SXH, 2 ca tử vong và tính bình quân mỗi tuần có tới 100 ca nhập viện. Trong khi đó, dịch bệnh TCM cũng tăng cao và gây tử vong nghiêm trọng khi có tới 1.252 ca mắc (cao gấp 2 lần cùng kỳ năm 2007) và đã có 9 ca tử vong.

Tại buổi làm việc, BS Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho rằng các quận huyện quá lơ là với công tác phòng chống dịch. Quận huyện nào cũng phát sinh dịch bệnh TCM và mỗi ca mắc là xung quanh ổ dịch có hàng trăm đối tượng khác có thể mắc. Do đó, BS Giang yêu cầu phải can thiệp ngay, thường xuyên trên toàn khu vực thành phố chứ không tập trung vào địa phương nào. Các quận huyện phải ưu tiên tập trung phòng chống dịch TCM trước các nhiệm vụ khác.

Trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát, BS Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế, đã chỉ đạo y tế dự phòng các địa phương phải chủ động hơn công tác phòng chống, thực hiện quyết liệt để trong thời gian ngắn nhất kéo giảm số ca mắc và tử vong.

Tr.Kiên - Tg.L.

Tin cùng chuyên mục