Tuy nhiên, nguồn tạng hiến ở nước ta luôn trong tình trạng khan hiếm khiến hàng ngàn người đang mòn mỏi chờ đợi được nhận một quả tim, một trái thận để giành lại sự sống, vượt qua cánh cửa tử thần.
Cho đi là còn mãi
Mới đây, Hoa hậu Việt Nam Đỗ Mỹ Linh đến Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy đăng ký hiến tạng đã nhen lên ngọn lửa nhân ái với nhiều người về lối sống “cho đi là còn mãi”. Mỹ Linh cho biết, việc đăng ký hiến tạng của cô và mẹ nằm trong dự án Người đẹp nhân ái của chương trình Miss World Việt Nam. “Tôi mong muốn mọi người cùng chia sẻ, đồng hành trong dự án ý nghĩa “Góp phần xây dựng niềm tin và hy vọng sống cho nhiều người”. Ban đầu tôi không muốn chia sẻ quyết định đăng ký hiến tạng mình cho mọi người biết. Nhưng với ước mong lan tỏa thông điệp và việc làm nhân văn này, tôi hy vọng quyết định của mình sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người cùng tham gia để mang lại cơ hội sống cho nhiều người khác”- Hoa hậu Mỹ Linh chia sẻ. Trước đó, nhiều nghệ sĩ cũng đã tham gia đăng ký hiến tạng truyền cảm hứng cho nhiều người khác như MC Quyền Linh, MC Ngọc Hương, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, ca sĩ Khắc Việt, diễn viên Việt Trinh... Thậm chí có những gia đình cùng nhau đi đăng ký hiến tạng như trường hợp bà Phạm Thị Hòa (66 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) có tới 6 người thân đăng ký hiến tạng sau khi qua đời.
Theo TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, BV Chợ Rẫy, bắt đầu từ tháng 10-2014, khi BV phát hành đơn đăng ký hiến tạng nhân đạo, đơn vị đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ nhiều người. Đến nay, đơn vị đã tiếp nhận được gần 10.600 đơn đăng ký hiến tạng nhưng chỉ có 34 trường hợp hiến tạng sau khi qua đời. Riêng từ tháng 1-2019 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 4 trường hợp hiến tạng sau khi tim ngừng đập, và nhận được 2 thận, 6 giác mạc. “Đặc biệt, trong số này có nhiều gia đình gồm cha con, vợ chồng, mẹ con, anh chị em cùng đăng ký hiến tạng. Từ nguồn tạng này, đơn vị đã điều phối 1 khối tim - phổi đến BV Trung ương Huế, 2 quả tim và 2 lá gan đến BV Việt Đức (Hà Nội) và 14 giác mạc đến ngân hàng mắt của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM”- bác sĩ Ngọc Thu cho hay.
Còn nhiều trở ngại
Theo các chuyên gia, hiện nay nhu cầu về ghép tạng ở nước ta rất lớn, chỉ riêng nhu cầu ghép gan, hiện có khoảng 23.000 người. Tuy nhiên, nguồn tạng (từ người chết não) vẫn còn khiêm tốn vì nhiều lý do khác nhau. Mặc dù cơ sở pháp lý để triển khai là Luật Hiến tặng mô, tạng ban hành năm 2006 và có hiệu lực từ tháng 1-2007, song đến nay số người chết não hiến tặng tạng rất ít, chưa đến 50 người. Điều này do ảnh hưởng của tâm lý, quan niệm của người dân là khi chết phải được nguyên vẹn. Bên cạnh đó, luật cũng quy định người đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mới có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký vào danh sách hiến tặng mô, tạng tiềm năng.
Tuy nhiên, quy định này lại trở thành rào cản cho những người dưới 18 tuổi muốn hiến tặng mô tạng. Cùng với đó là sự bất cập về mặt tổ chức, phục vụ cho ghép tạng ở các bệnh viện còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực trong quá trình ghép tạng.
Trước thực tế nhu cầu của người cần ghép tạng rất lớn mà nguồn cung hợp pháp (người thân cho tạng hoặc chờ có người hiến tặng) lại quá ít, nên xuất hiện nhiều “đường dây” buôn bán thận nói riêng và nội tạng nói chung. Mặc dù điều 11 của Luật Hiến tặng mô, tạng cấm mua, bán, lấy trộm mô, tạng; cấm sử dụng mô, tạng vì mục đích thương mại… nhưng chưa quy định các chế tài khi vi phạm các điều khoản này. Ngay cả Bộ Luật Hình sự cũng chưa có các điều khoản quy định các chế tài trong hoạt động mua bán trái phép nội tạng người. Bên cạnh đó, luật hiện hành quy định việc cấm lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ mô, bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại. Tuy nhiên, thực tế các đường dây mua bán tạng “chui” vẫn lách luật bằng cách “giả hiến tặng”. Đây cũng là kẽ hở lớn đang bị các đối tượng mua bán tạng lợi dụng hiện nay. “Cần có một cơ quan mang tính độc lập cho phép minh bạch việc mua bán tạng để vừa lợi cho Nhà nước, bệnh nhân và cả người cho tạng”- bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu kiến nghị.
Theo bác sĩ Ngọc Thu, một trở ngại lớn trong việc ghép tạng không chỉ là thiếu người cho tạng, mà còn bởi chi phí ghép tạng. Mặc dù ở nước ta hiện nay chi phí thực hiện một ca ghép tạng thuộc mức thấp nhất so với các nước trên thế giới nhưng so với thu nhập của người dân thì vẫn quá cao. Trung bình, một ca ghép tạng có chi phí từ vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng, chưa kể sau ghép người bệnh sẽ phải dùng các loại thuốc chống đào thải với chi phí vài triệu đồng/tháng trong suốt phần đời còn lại.... Với số tiền lớn như vậy, những bệnh nhân nghèo rất khó để tiếp cận được kỹ thuật cao này.
Địa điểm tiếp nhận hiến tạng |