Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng chiến lược an ninh mới của Mỹ mang “đặc tính đế quốc” và thể hiện “không sẵn sàng từ bỏ chính sách đơn phương”. Tuy nhiên, theo ông Peskov, chiến lược mới của Mỹ cần phải được nghiên cứu kỹ hơn.
Cùng lúc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng chỉ trích chiến lược an ninh quốc gia vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 18-12, trong đó nhận định Trung Quốc là “một thách thức đối với sức mạnh của Mỹ”. Bà Hoa Xuân Oánh cho rằng nhận định trên của Mỹ thể hiện “tâm lý chiến tranh lạnh đã lỗi thời” sẽ làm tổn hại chính nước Mỹ cũng như các nước khác đồng thời khẳng định “Trung Quốc sẽ không bao giờ theo đuổi chính sách làm lợi cho mình bằng cách gây tổn hại lợi ích của các quốc gia khác”.
Theo giới phân tích, Chiến lược An ninh quốc gia 2017 của Mỹ được xây dựng trên nền tảng học thuyết “Nước Mỹ trước tiên”. Xuyên suốt văn kiện này là mục tiêu cốt lõi - lợi ích quốc gia của nước Mỹ được đặt lên hàng đầu. Chiến lược mới là sự kết hợp chặt chẽ 4 lợi ích quốc gia căn bản, đó là bảo vệ các lợi ích của đất nước và người dân Mỹ, thúc đẩy phát triển thịnh vượng, thúc đẩy hòa bình thông qua sức mạnh và tăng cường ảnh hưởng của Mỹ. Một yếu tố căn bản mà ông Donald Trump thể hiện qua văn kiện này là gắn kết nước Mỹ với các nước khác trong khuôn khổ “hợp tác có đi có lại”, phù hợp với tầm nhìn “Nước Mỹ trước tiên”. So với chiến lược an ninh quốc gia của ông B.Obama, chiến lược nhấn mạnh đến việc hợp tác với các đồng minh và đối tác kinh tế, thì chiến lược an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump lại tìm cách giữ cân bằng giữa một bên là khẩu hiệu tranh cử “Nước Mỹ trước tiên” và một bên là lời khẳng định rằng ông không từ chối hợp tác với các đối tác của Mỹ - chừng nào mà sự hợp tác đó có lợi cho Mỹ. Từ đây, có thể thấy cách tiếp cận giải quyết vấn đề của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến lược này chỉ gói gọn trong ý tưởng sự thịnh vượng của Mỹ phải được bảo vệ chứ không phải là mở rộng.
Một điều đáng chú ý khác là văn kiện nhắc đến Trung Quốc như một “đối thủ chiến lược”. Ngôn từ này của Tổng thống Donald Trump cho thấy Mỹ sẽ gây áp lực mạnh lên các chính sách kinh tế ưu ái khu vực nhà nước của Trung Quốc cũng như những tuyên bố lãnh thổ - lãnh hải khác. Đây là một sự thay đổi căn bản so với ngôn từ mà cựu Tổng thống Obama từng dùng đối với Bắc Kinh, khi đó ông coi Trung Quốc là đối tác trong việc đối phó với những mối đe dọa toàn cầu, từ chương trình hạt nhân của Iran tới vấn đề biến đổi khí hậu.
Ngay trong lòng nước Mỹ đang có những phản ứng khác nhau với chiến lược mới. Nhiều ý kiến bày tỏ sự ủng hộ quan điểm của Tổng thống Donald Trump. Ông Michael Allen, cựu thành viên Hội đồng An ninh quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush, hiện là cố vấn cho đội ngũ của ông Donald Trump, cho rằng đây là một văn kiện đem lại một cái nhìn rõ ràng và cụ thể hơn về các cam kết tranh cử của ông Donald Trump. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng, với chiến lược này nước Mỹ đang đi vào ngõ cụt, sẽ khiến cho chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến trỗi dậy. Điều này sẽ làm cho nước Mỹ càng ngày càng bị cô lập và khó có thể bảo vệ an ninh và thịnh vượng của chính mình. Cũng đã có những hoài nghi về quan điểm của ông Donald Trump, cho rằng chiến lược trên đặt ra những vấn đề có vẻ khác xa với thực tế điều hành đất nước hiện nay cũng như các tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump. Điều này thể hiện rõ ràng nhất trong việc mặc dù để ngỏ khả năng hợp tác với Trung Quốc và Nga nhưng thẳng thừng coi các nước này là đối tượng cạnh tranh quyết liệt, thậm chí là đối thủ có ý định tranh giành vai trò lãnh đạo của nước Mỹ…