Trục lợi từ tội phạm chống phá Nhà nước - Bài 1: Người nhà đi tù, thân nhân “sống khỏe”

“Nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Ánh bị 6 năm tù giam nhưng vợ tự hào về anh” là tựa đề bài viết trên một trang mạng phản động đăng cách nay hơn 4 năm nói về Nguyễn Ngọc Châu (ngụ huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre), vợ phạm nhân Nguyễn Ngọc Ánh (người đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre tuyên phạt 6 năm tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán, hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”).

LTS: Thời gian qua, lợi dụng việc một số đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam hoặc đang thụ án các bản án liên quan đến hoạt động tuyên truyền chống phá Nhà nước ta, các phần tử chống đối, các tổ chức phản động đã kích động, lôi kéo người dân tham gia góp tiền, lập quỹ, dưới danh nghĩa của cái gọi là “Cứu giúp thân nhân những tù nhân lương tâm”. Số khác có chồng con, người thân đang đi tù thì lên mạng xã hội kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng hỗ trợ vốn làm ăn, mua hàng để có tiền thăm nuôi “chồng con đang bị tù oan”. Thực chất của những chiêu trò này là gì, ai được lợi, ai đứng đằng sau việc làm mất nhân tâm này?

Thời gian qua, Nguyễn Ngọc Châu đã lấy tên, hình ảnh của chồng và nội dung bài viết xuyên tạc trên để đi… bán tôm cá ở khắp nơi.

Sống nhờ người thân đi tù

“Tôm càng xanh bà con ơi, ủng hộ em với, em là vợ anh Ánh đi tù đây ạ”. “Ánh nào?”, một người đàn ông hỏi lại. “Ánh Bình Đại tù nhân lương tâm ạ, em là vợ anh ấy”, người bán tôm trả lời. Đứng dưới mái hiên góc chợ quan sát người phụ nữ bán tôm, thấy có điều bất thường, nam thanh niên mặc áo xanh tiến đến: “Có dẹp ngay trò đó không, tôi kêu công an tới giờ”. Góc chợ thị trấn Bình Đại xôn xao lên: “Lại con vợ thằng Ánh bán tôm. Hôm qua có người thấy nó dưới chợ Ba Tri, nay lên đây rồi”. Một người phụ nữ đứng gần, mạnh dạn nói: “Bà này còn nói chồng trong tù bị hành hạ dã man. Đi đâu cũng dắt theo đứa con trai 6 tuổi vừa bán tôm, vừa xin tiền”.

Ở huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An) có người phụ nữ tên Nguyễn Thị H., có chồng là một đối tượng vừa bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán, hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước”, cũng dắt theo đứa con nhỏ đi khắp nơi kêu gọi người khác giúp đỡ tiền đi thăm chồng.

Lúc đầu, H. đẩy xe rao bán dừa tươi, 1 trái lấy tại vườn chỉ 4.000-5.000 đồng; nhưng khi thấy H. kể lể thống thiết về người chồng của mình bị “bắt bớ, tù oan”, nhiều người cho thêm mỗi trái dừa 10.000, 15.000 đồng. Ngày nào tính đẩy xe đi bán ở đâu là ngay sáng sớm, H. tung lên mạng Facebook hình ảnh con gái 7 tuổi cầm tấm bảng to có dòng chữ “Trả lại ba cho tôi”. Đẩy xe dừa đến đâu là người hiếu kỳ vây lại hỏi mua dừa đến đó…

Hay như đối tượng Huỳnh Ngọc Tuấn ở tỉnh Quảng Nam chuyên bán hàng online với đủ thứ mặt hàng, từ nông sản đến quần áo, mỹ phẩm… Tuấn thường rêu rao rằng con gái Huỳnh Thục Vy bị đi tù, ở nhà không ai lo cho 2 con nhỏ để mọi người thương cảm, mua hàng. Khi biết việc làm giả dối của Tuấn, người dân Quảng Nam đã tẩy chay, khiến Tuấn phải bỏ xứ về quê Tiền Giang nhưng đi đến đâu cũng bị người dân tố cáo hành vi lợi dụng con gái đi tù để kiếm sống.

Dựng chuyện để trục lợi

Một hành vi trục lợi khác của người thân phạm nhân Huỳnh Thục Vy cũng bị người dân lật tẩy, đó là Huỳnh Trọng Hiếu, em trai Vy. Trong một lần đi thăm nuôi chị đang thụ án, về nhà Hiếu tung lên mạng thông tin chị mình trong tù bị đánh đập dã man, bỏ đói, bệnh không thuốc chữa.

Nhân cơ hội này, các hội nhóm, tổ chức phản động ở nước ngoài kêu gọi cộng đồng mạng quyên góp tiền bạc để mua quà thăm nuôi Vy và nuôi 2 con nhỏ ở nhà cũng đang bị đói khát, bạo hành. Cơ quan chức năng đã trực tiếp lên trại giam cho mời Huỳnh Thục Vy ra đối chất, hỏi rõ việc có bị đánh đập dã man như người nhà nói hay không. Huỳnh Thục Vy thừa nhận không có chuyện đó, bản thân được đối xử tốt như những phạm nhân khác trong tù…

Tương tự, người thân của phạm nhân Lê Thị Bình ở quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) cũng thường xuyên lên mạng xã hội giới thiệu bán hàng để có tiền đi thăm nuôi, tiếp tế cho “tù nhân lương tâm” đấu tranh cho “tự do, dân chủ”. Đối tượng Lê Văn M., người thân Lê Thị Bình, còn lên mạng nói về những “bất bình thường” trong bản án của Tòa án nhân dân quận Bình Thủy tuyên phạt Lê Thị Bình mức án 2 năm tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”; cho rằng bản án là oan sai, không đúng sự thật và kêu gọi tòa án quốc tế can thiệp, xem lại bản “án oan” này. Nhiều người không rõ được sự việc đã kêu gọi cộng đồng ủng hộ tiền để gia đình Lê Thị Bình “đi đòi công lý”…

Lê Thị Bình bị xét xử về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”
Lê Thị Bình bị xét xử về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”

Còn nhiều chiêu trò, dựng chuyện của thân nhân người đi tù được người dân và cộng đồng mạng xã hội đấu tranh, vạch mặt. Những đối tượng vi phạm pháp luật được thân nhân của mình và các tổ chức phản động khoác lên danh hiệu “tù nhân lương tâm”, với ảo tưởng, mong ngóng sự “cưu mang”, “thương hại” của xã hội.

Không ít đối tượng còn muốn đi ngồi tù để được gọi là “tù nhân lương tâm”, nhằm khuếch trương “thương hiệu”, thu hút “đầu tư” từ các tổ chức chống đối, phản động bên ngoài, tạo điều kiện để thân nhân của mình đi kiếm tiền. Thông qua chiêu bài “tù nhân lương tâm”, các đối tượng chống đối tạo cơ hội, tạo cớ cho những thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, gây sức ép với Đảng và Nhà nước ta.

Nhiều đối tượng sau khi vi phạm và bị xử lý theo luật pháp Việt Nam bỗng nhiên được dựng lên như những “tù nhân lương tâm”, rồi tiếp tục lao vào chống phá chính quyền như những con thiêu thân, trở thành công cụ để các thế lực thù địch vu cáo, bịa đặt về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Mặt khác, số đối tượng nhân danh dân chủ, nhân quyền thường mời thân nhân của những người đi tù tham gia vào các hội thảo, hội nghị ủng hộ dân chủ, nhân quyền. Tham dự các hoạt động này, thân nhân người đi tù vừa được nhận một khoản tiền, vừa gặp gỡ nhiều người và cảm thấy bản thân là nhân vật quan trọng, được sự quan tâm của nhiều người ở trong và ngoài nước.

Từ là thân nhân người đi tù, họ đã quay sang ủng hộ và trực tiếp tham gia hoạt động trong các tổ chức, hội nhóm phản động, làm ảnh hưởng xấu đến xã hội và chuyển hóa thành kích động chống đối.

(Nguồn: Cơ quan an ninh)

Tin cùng chuyên mục