Ngân hàng Hàn Quốc mới đây đã lên tiếng cảnh báo tầng lớp trung lưu của nước này đang tiến gần đến khả năng bị sụp đổ do gánh nặng nợ nần cao. Cảnh báo này cho thấy thực trạng diễn ra tại một trong những nền kinh tế phát triển nhất châu Á, tầng lớp từng được cho là xương sống của nền kinh tế phải đối mặt với những hệ lụy từ sự tăng trưởng vượt bậc của đất nước.
Theo Korea Times, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bi đát của tầng lớp trung lưu Hàn Quốc xuất phát từ chủ trương thắt chặt tín dụng của chính phủ, sau khi khoản nợ từ hộ gia đình tăng mạnh trong năm 2012. Các ngân hàng siết chặt việc cho vay khiến những người có nhu cầu buộc phải tìm đến các tổ chức tài chính phi ngân hàng và chấp nhận mức lãi suất cao gấp nhiều lần. Việc siết chặt tín dụng của Chính phủ Hàn Quốc cũng không thu lại kết quả khả quan.
Thống kê cho thấy, cuối năm 2012, số người phải mượn nợ tăng lên 16% so với con số 13,4% cách đây hai năm. Câu chuyện này còn tồi tệ hơn đối với những doanh nghiệp nhỏ. Trung bình, mỗi người đang gánh khoản nợ lên tới 120 triệu won (112.000 USD), gấp 3 lần so với thu nhập. Tổng các khoản vay từ các doanh nghiệp đã lên tới 450.000 tỷ won (432 tỷ USD), trong đó chiếm tới 37% là các khoản vay từ các tổ chức phi ngân hàng.
Trên thực tế, câu chuyện tầng lớp trung lưu gặp khó từng xảy ra vào những năm 2000 nhưng cho đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể. Câu chuyện nghịch lý xảy ra khi chủ nghĩa quân bình từng là đặc điểm nổi bật của các xã hội châu Á đang nhanh chóng biến mất. Người giàu càng giàu hơn bất kỳ lúc nào, trong khi số người nghèo tại Hàn Quốc đang ngày một tăng nhanh, số người thuộc tầng lớp trung lưu đang co lại. Bất bình đẳng thu nhập là một hiện tượng phổ biến ở mọi nơi, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa này. Tuy nhiên, tốc độ và phạm vi của nó tại Hàn Quốc đang là hồi chuông báo động đối với một số nhà kinh tế. Nhiều nhà phân tích cho rằng, chương trình cải cách thị trường tự do mới được thực hiện vào cuối những năm 90, thời điểm sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997, góp phần khoét rộng khoảng cách giữa cái được và cái mất, xét trên phương diện kinh tế. Nhiều công ty và doanh nghiệp vừa và nhỏ phải vật lộn để tồn tại ngày càng trở nên đuối sức, một phần bởi sức tiêu thụ trong nước tương đối yếu, trong khi các tập đoàn lớn ra sức khuếch trương quy mô do thúc đẩy sản xuất ra nước ngoài thì ngày càng phát triển.
Thực trạng khó khăn của tầng lớp trung lưu hiện nay đặt ra nhiều thách thức với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. Dư luận lo ngại lời hứa trong kỳ bầu cử của bà, nhấn mạnh đến việc hồi phục sức sống cho tầng lớp trung lưu sẽ không thể thực hiện được. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, chìa khóa để ngăn chặn sự sụp đổ của tầng lớp trung lưu là tạo thêm các công ăn việc làm, để mọi người trong lớp thu nhập trung bình có thể tăng nguồn thu, giúp họ dần thoát khỏi vòng luẩn quẩn là ngay sau khi có thu nhập phải tính đến chuyện trả các khoản vay mới. Hoạch định chính sách trợ giúp tầng lớp trung lưu cũng cần phải hành động dứt khoát trước khi quá muộn.
THANH HẰNG