Máy bay B-52 bay sát đảo nhân tạo ở biển Đông
Bộ Quốc phòng Mỹ vừa thừa nhận một chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 của không quân nước này đã bay vào khu vực 2 hải lý gần một hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên biển Đông.
Không phải nguy cơ duy nhất
Một quan chức Mỹ tiết lộ với ABC News rằng 2 chiếc B-52 của Mỹ xuất phát từ căn cứ trên đảo Guam và thực hiện chuyến bay tuần tra như thường lệ trên vùng biển gần quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Khi bay qua khu vực này, một trong hai chiếc máy bay ném bom đã “vô tình” đi vào khu vực hai hải lý gần bãi đá Châu Viên và bị lực lượng quân đội Trung Quốc đóng quân trên đảo nhân tạo phi pháp này phát tín hiệu cảnh báo.
Ngay sau đó, Tân Hoa Xã ngày 19-12 dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đã gửi kháng nghị thư đòi điều tra về việc này, đồng thời cáo buộc Mỹ có hành vi “khiêu khích quân sự nghiêm trọng”, cố tình gây căng thẳng trong khu vực. Ông Bill Urban, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ trả lời rằng chiếc B-52 này không cố tình bay vào khu vực 12 hải lý của bất cứ bãi đá nào và đây không phải là một chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải.
Trung Quốc ngang nhiên xâm lấn và bồi đắp trái phép bãi đá Châu Viên
Tuy nhiên, giới phân tích lại cho rằng vụ việc trên không dừng lại ở đó. Armin Rosen, chuyên gia phân tích an ninh quốc phòng của Business Insider, cơ sở để Trung Quốc kháng nghị là họ cho rằng chiếc B-52 đã vi phạm cái gọi là “không phận” của một đảo nhân tạo mà họ bồi đắp phi pháp trên biển Đông để phục vụ cho tham vọng chủ quyền của họ ở khu vực này. Ông Rosen nhận định, bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc về địa vị pháp lý của các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang bồi đắp trái phép trên biển Đông không phải là nguy cơ duy nhất có thể làm dậy sóng vùng biển chiến lược này.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington D.C, bãi đá Châu Viên nằm cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 1.000km về phía Nam. Kể từ giữa năm 2014, hoạt động cải tạo trái phép đã làm mở rộng diện tích hơn 230.000m2. Hiện đá có hai bãi đậu trực thăng, có thể có nơi đặt súng hay tên lửa, và có thể có hai tháp radar. Đá Châu Viên nằm trong 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc xâm chiếm và bồi đắp trái phép.
Nhật Bản xây dựng học thuyết chống tiếp cận quân sự
Theo Reuters, Nhật Bản đang có kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không dọc 200 hòn đảo ở biển Hoa Đông, trải dài trên phạm vi 1.400km từ thềm lục địa Nhật Bản tới giáp lãnh thổ Đài Loan. Các nhà hoạch định quân sự và chính sách của Chính phủ Nhật Bản tiết lộ, mục tiêu chính của Thủ tướng Shinzo Abe khi tăng cường sức mạnh quân đội bao gồm một chiến lược thống trị trên biển và trên không xung quanh các đảo xa, từ đó kiềm chế tham vọng của Trung Quốc.
Đây là lần đầu tiên giới chức cấp cao Nhật Bản đề cập đến việc xây dựng một học thuyết Chống tiếp cận quân sự nhằm giữ chân Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương, khi mà chính Trung Quốc cũng đang xây dựng để đẩy Mỹ và các đồng minh ra khỏi khu vực.
Nghị sĩ đảng Dân chủ Nhật Bản Akihisa Nagashima cho rằng, sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và sự suy giảm tương đối của Mỹ là một yếu tố thúc đẩy Nhật Bản chuyển trọng tâm phòng thủ từ đảo Hokkaido ở phía Bắc sang chuỗi đảo phía Tây Nam. Số lượng nhân viên quân sự của Nhật Bản trên các đảo ở biển Hoa Đông sẽ tăng lên khoảng 10.000 người trong vòng 5 năm tới. Lực lượng này sẽ được hỗ trợ bởi lực lượng thủy quân lục chiến, tàu ngầm tàng hình, máy bay chiến đấu F-35, xe chiến đấu đổ bộ và tàu sân bay. Ngoài ra, còn có sự hậu thuẫn của Hạm đội 7 Mỹ đóng tại thành phố Yokosuka ở phía Nam thủ đô Tokyo.
VIỆT ANH (tổng hợp)