Trung Quốc đẩy nhanh chiến lược tự chủ công nghệ

Khi phương Tây tìm cách chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ, thì nước này đã tự xây dựng kế hoạch nhằm tự chủ ít nhất 70% khối lượng sản phẩm công nghệ cao.
Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất chip để tự chủ công nghệ
Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất chip để tự chủ công nghệ

Ngoài “Made in China 2025”, Trung Quốc còn có chiến lược “tuần hoàn kép”, với tham vọng đưa ra tiêu chuẩn công nghệ mới khác biệt với phương Tây.

Nhanh nhưng chưa ổn định

 Với chiến lược mới này, Trung Quốc hướng tới chính sách tự cung tự cấp, giảm phụ thuộc vào nước ngoài.

Cụ thể, với công nghệ bán dẫn, Trung Quốc sẽ huy động nguồn lực con người, vốn tự có để phát triển mạng lưới nghiên cứu, thiết kế và sản xuất chip thế hệ mới nhằm phá thế cô lập do Mỹ tạo ra. Chiến tranh thương mại với các nước phương Tây được xem là một lời nhắc nhở đối với giới lãnh đạo Trung Quốc rằng, nước này không thể phụ thuộc vào nhập khẩu mà phải phát triển công nghệ cốt lõi trong nước và theo đuổi các bước nhảy vọt về công nghệ, đặc biệt là trong các ngành thiết yếu như thiết bị bán dẫn.

Trung Quốc đã đề ra nhiều mục tiêu để hiện thực hóa tham vọng như: bồi dưỡng một đội ngũ nhân tài công nghệ nội địa, xây dựng các công ty công nghệ cao có ảnh hưởng toàn cầu để mở rộng hơn mô hình “chủ quyền mạng” nhằm kiểm soát chặt chẽ mạng Internet.

Ngoài ra, còn có việc đảm bảo cơ sở hạ tầng thông tin an toàn, tăng cường sự kiểm duyệt và giám sát của nhà nước trong không gian kỹ thuật số, xây dựng một nền kinh tế kỹ thuật số có quản lý và nâng cao năng lực an ninh mạng.

Bắc Kinh còn đẩy mạnh xây dựng một “Trung Quốc kỹ thuật số” tiến tới hoàn thành tham vọng dẫn đầu thế giới về công nghệ của tương lai trong các lĩnh vực điện toán lượng tử, 5G, chất bán dẫn, công nghệ chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (cloud computing) và robot.

Với mục đích đẩy nhanh kế hoạch tự chủ công nghệ, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc chuẩn bị hơn 60 tỷ USD vốn vay cho hơn 1.000 doanh nghiệp chủ chốt trong kế hoạch đổi mới chiến lược, đồng thời huy động được 30 tỷ USD cho một quỹ đầu tư vi mạch mới do chính phủ hậu thuẫn.

Từ tháng 3 năm nay, thông tin Eastern Communications, một công ty con của Tập đoàn Công nghiệp thông tin Phủ Điền Trung Quốc (Potevio) sẽ tái cơ cấu và sáp nhập vào Tập đoàn Công nghệ điện tử Trung Quốc (CETC) khiến dư luận chú ý. Lý do là Potevio và CETC đều là các doanh nghiệp nhà nước, do Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước Trung Quốc (SASAC) điều hành.

Potevio là doanh nghiệp chuyên sản xuất các thiết bị viễn thông, như linh kiện phục vụ hạ tầng 5G, hệ thống máy chủ, bộ nhớ, máy rút tiền tự động. Điểm mạnh của Potevio liên quan đến truyền thông không dây và bảo mật.

Trong khi đó, CETC là nhà cung cấp chính cho hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu và được biết là nhà cung cấp phần mềm cũng như nhiều dịch vụ cho quân đội Trung Quốc. Công ty này cũng tham gia quá trình phát triển một phiên bản hệ điều hành Windows theo phiên bản Trung Quốc và phát triển nhiều lĩnh vực khác như sản xuất chất bán dẫn và ăng-ten phục vụ mạng 5G, các thiết bị cho công nghệ xe tự hành. Việc sáp nhập được đánh giá nhằm mục đích tăng cường khả năng phục hồi của CETC trước các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào các công ty thuộc tập đoàn, trong đó có cả Hikvision, nhà sản xuất camera an ninh hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, mặc dù Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy phát triển công nghệ trong nước, nhưng theo giới quan sát, nước này khó có thể đạt tới mục tiêu tự chủ công nghệ. Trước đây, Bắc Kinh từng đặt kế hoạch dành 2,5% GDP vào nghiên cứu và phát triển, nhưng mức chi tiêu thực tế chưa chạm đến mục tiêu đó. Một lĩnh vực khiến Trung Quốc chật vật là vi mạch, khi hầu hết sản phẩm điện tử đều phụ thuộc vào nó. Ở thời gian trước đây, các công ty của Trung Quốc lúng túng trước quá trình sản xuất chip vô cùng phức tạp, nên quyết định thay vì nghiên cứu, họ nhập khẩu phần lớn thiết bị bán dẫn cần thiết.

Trong những năm qua, dù chính phủ đã hỗ trợ các nhà sản xuất Trung Quốc phát triển một số năng lực sản xuất chip, nhưng kết quả chưa như mong đợi. Theo Hiệp hội Công nghiệp chất bán dẫn, các nhà sản xuất chip Trung Quốc đã nhận được các khoản trợ cấp của chính phủ lên tới 50 tỷ USD trong 20 năm qua. Các công ty trong nước cũng được hưởng lợi từ việc miễn thuế, đất đai miễn phí, các khoản vay ưu đãi và ưu tiên mua sắm. Tuy đạt được nhiều tiến bộ trong thiết kế chip, nhưng vấn đề của Trung Quốc nằm ở khả năng sản xuất chip cao cấp. Trung Quốc hiện chỉ sản xuất được dòng chip tầm trung do chế tạo chip bán dẫn đòi hỏi độ chính xác cao.

Nhiều nghi ngại

Việc dần tự chủ về công nghệ đã đưa Trung Quốc tiến đến kế hoạch táo bạo hơn: xuất khẩu công nghệ ra nước ngoài. Những mặt hàng Trung Quốc đang chiếm ưu thế trên thị trường thế giới là thiết bị bay không người lái, thiết bị lazer, thiết bị sử dụng trong công nghệ vũ trụ, in 3D, thiết bị viễn thông... Trung Quốc đã tận dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) để thực hiện kế hoạch này. Thông qua BRI, ở châu Phi, Trung Quốc cung cấp các khoản vay, xuất khẩu công nghệ và xây dựng cơ sở hạ tầng cho các quốc gia như Guinea, Kenya, đồng thời khai thác tài nguyên thiên nhiên của chính quốc gia đang đầu tư.

Trung Quốc đã tổ chức một số hội chợ công nghệ, kinh tế số với nhiều quốc gia tham gia BRI như: Hội chợ công nghệ số với 17 nước Trung và Đông Âu thuộc Nhóm 17+1; Diễn đàn công nghệ số với 5 nước ở Trung Á gồm: Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Turkmenistan.

Các hội chợ này nhằm triển khai 1.334 dự án công nghệ thông tin, công nghệ số dọc theo hành lang “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” với 3 châu lục Á - Âu - Phi, trong đó, trọng tâm là các khu vực: Đông Nam Á, Trung Á, Trung Âu, Đông Âu và Đông Phi. Đồng thời, triển khai các loại hình công nghệ mới như: Internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, hạ tầng kỹ thuật số và dự án “Châu Phi thông minh” với 26 nước ở châu Phi.

Các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Huawei và ZTE mở rộng kế hoạch “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” thông qua mạng cáp quang do Trung Quốc xây dựng, cũng như trang bị cho chính quyền sở tại các công cụ giám sát và kiểm duyệt Internet.

Chưa có con số thống kê xuất khẩu công nghệ chính thức trong năm 2020, nhưng báo cáo gần đây nhất cho biết, trong năm 2019, xuất khẩu công nghệ của Trung Quốc đạt giá trị thương mại 32,1 tỷ USD, tương đương với giá trị nhập khẩu. Đây là bước phát triển thần kỳ, bởi 6 năm trước đó, tỷ trọng xuất - nhập là 1 - 2. Tuy nhiên, các công nghệ “made in China” vẫn gây nhiều nghi ngại.

Giới quan sát cho rằng, các công ty Trung Quốc đang xuất khẩu “những hệ thống giám sát thế hệ mới” tại một số khu vực trên thế giới, trong đó có khu vực Mỹ Latinh. Riêng Venezuela, với sự giúp đỡ của tập đoàn viễn thông Trung Quốc là ZTE, đã xây dựng một cơ sở dữ liệu có thể theo dõi hành vi của công dân thông qua căn cước công dân.

Việc sử dụng dữ liệu lớn vào các mục đích an ninh có thể được người dân ở Nam Mỹ chấp nhận, nhưng sau khi được sử dụng rộng rãi, những hệ thống đó có thể bị lạm dụng cho mục đích do thám. Hơn nữa, theo giới quan sát, nền công nghệ Trung Quốc mặc dù phát triển nhanh nhưng không ổn định. Nước này chưa làm chủ được công nghệ sản xuất chip thế hệ mới mà Mỹ và Nhật Bản, Hàn Quốc rất thành thạo.

IC Insights, công ty nghiên cứu chất bán dẫn của Mỹ cho biết, sản lượng chip nội địa của Trung Quốc chỉ đáp ứng được 15,9% nhu cầu nước này trong năm 2020, cao hơn một chút so với mức 15,1% hồi năm 2014.

Tin cùng chuyên mục