Với nhiều động thái đơn phương, Trung Quốc đang làm nóng tình hình biển Hoa Đông và biển Đông, gây quan ngại cho các nước trong khu vực và quốc tế. Thế nhưng, Bắc Kinh không muốn quốc tế hóa vấn đề mà muốn tiếp tục chính sách “nuốt trọn” vùng biển kéo dài từ biển Hoa Đông phía Bắc xuống biển Đông phía Nam.
Lén lút tổ chức du lịch đến Hoàng Sa của Việt Nam
Mạng tin Sankei của Nhật Bản ngày 24-1 cho biết, Trung Quốc đang ráo riết tiến hành các tuyến du lịch “lén lút” bằng tàu cá thuê từ đảo Hải Nam tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Mặc dù quần đảo này không cho du khách đặt chân lên và nếu bị nhà chức trách Trung Quốc phát hiện có thể bị phạt tiền nhưng việc mở tuyến du lịch được chính quyền Trung Quốc mặc nhiên thừa nhận.
“Tân dân Nhật báo”, tờ báo buổi chiều ấn hành tại Thượng Hải, dẫn báo giá của một hãng lữ hành cho biết một chuyến du lịch Hoàng Sa kéo dài từ 5-7 ngày dành cho một người có giá khoảng 7.000 nhân dân tệ (NDT), tương đương một chuyến du lịch nước ngoài.
Nhân kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày từ 9-2-2013, hãng lữ hành này còn chào mời khách với khẩu hiệu “Khám phá lãnh thổ của Trung Quốc chưa ai đặt chân đến”. Một nhân viên của hãng du lịch trên cho biết do được nhà chức trách Trung Quốc miễn truy cứu nên công ty này “đang thực hiện mô hình du lịch quan sát lãnh thổ quốc gia cho cán bộ, công chức”. Mỗi năm hứa hẹn sẽ có khoảng 1.000 khách tham gia các tuyến du lịch này.
Bên cạnh việc chạy thử phà du lịch đến quần đảo Hoàng Sa được nhà chức trách cho phép, một công ty tàu biển thuộc tỉnh Hải Nam cũng có kế hoạch xây dựng khu nghỉ dưỡng trên các đảo thuộc quần đảo này từ nay đến năm 2015.
Philippines kêu gọi người dân đồng lòng ủng hộ chính phủ
Sau khi phân tích cụ thể quyết định kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế được Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario công khai loan báo hôm 22-3, hãng tin GMA News của Philippines đã trích dẫn nguyên văn thông cáo của Bộ Ngoại giao nhấn mạnh ý nghĩa bảo vệ chủ quyền đất nước theo sau quyết định này: “Nếu ai đó tự tiện xông vào nhà của ta và tìm cách lấy đi một cách bất hợp pháp những gì của ta, thì liệu ta có thể không làm gì để chống lại kẻ xâm nhập hay không? Hành động của chúng ta là nhằm bảo vệ lãnh thổ quốc gia và vùng biển của mình”. Bản thông cáo ngay sau đó đã đưa ra lời kêu gọi: “Mọi người Philippines hãy đứng đằng sau tổng thống để bảo vệ những gì là của chúng ta. Tất cả chúng ta đều nên đoàn kết nhất trí trước toàn thể thế giới để biểu thị vai trò lãnh đạo toàn diện của tổng thống trên vấn đề này”.
Phía Philippines muốn chấm dứt tình trạng Trung Quốc chiếm đóng hay hoạt động tại các đảo, bãi ngầm thuộc chủ quyền Philippines ngoài biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 23-1 bác bỏ việc Philippines đưa vấn đề tranh chấp tại biển Đông ra tòa án LHQ đồng thời khẳng định Trung Quốc chỉ đàm phán song phương với các bên có liên quan, không quốc tế hóa vấn đề. Hãng tin Reuters dẫn lời các nhà phân tích nhận định rằng Trung Quốc sẽ phớt lờ quyết định của Philippines kiện nước này và tất nhiên sẽ không tham gia bất cứ cuộc triệu tập nào của tòa án nếu có. Tuy nhiên, theo giáo sư Carl Thayer, dù có hay không sự có mặt của Trung Quốc, phiên tòa vẫn sẽ diễn ra bình thường và nếu tòa án ra phán quyết có lợi cho Philippines, đó sẽ là lợi thế lớn về mặt pháp lý và cả sự ủng hộ quốc tế dành cho nước này. Thế nhưng, ông Thayer cho rằng Trung Quốc có thể làm ngơ mọi phán quyết của tòa án và tòa án cũng không thể làm gì để buộc Trung Quốc thực thi phán quyết này.
| |
THỤY VŨ (tổng hợp)