Trung Quốc đứng thứ 2 trong các quốc gia lớn đầu tư tại TP Hà Nội

Từ năm 1986 đến nay, thu hút vốn FDI của Trung Quốc vào TP Hà Nội đạt trên 11,3 tỷ USD, trong đó có 693 dự án cấp mới còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký mới đạt 415,5 triệu USD.

Thảo luận về chủ đề đầu tư, thương mại trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc), lần thứ X năm 2023 diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Tú, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, từ năm 1986 đến nay, thu hút vốn FDI của Trung Quốc vào TP Hà Nội đạt trên 11,3 tỷ USD.

Trong đó, 693 dự án cấp mới còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký mới đạt 415,5 triệu USD; 107 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 135,7 triệu USD; 822 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị góp vốn 10,7 tỷ USD. Trung Quốc đứng thứ 2 trong các quốc gia lớn đầu tư tại TP Hà Nội. Trong 10 tháng năm 2023, TP Hà Nội thu hút 29,6 triệu USD vốn FDI từ Trung Quốc.

Đại biểu hai nước thảo luận về chủ đề đầu tư, thương mại

Đại biểu hai nước thảo luận về chủ đề đầu tư, thương mại

Theo lãnh đạo Sở KH-ĐT Hà Nội, từ thực tế trên có thể thấy, hành lang kinh tế Côn Minh (Vân Nam) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh có tác động trực tiếp đến sự phát triển của Thủ đô Hà Nội nói riêng, vùng Bắc bộ và cả nước nói chung.

Việc đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương trên tuyến hành lang, khai thác và mở rộng lợi thế, tiềm năng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc (trọng tâm là Vân Nam và các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc) sẽ giúp phát triển hợp lý hệ thống đô thị dọc tuyến hành lang.

Từ đó, hợp tác sẽ trở thành cơ sở để phân bố dân cư, khai thác tiềm năng phát triển công nghiệp, nông, lâm nghiệp; hình thành các tuyến du lịch kết hợp du lịch nghỉ dưỡng trên núi và du lịch biển; phát triển hạ tầng số, hình thành trung tâm tạo lập dữ liệu và duy trì kết nối cho toàn vùng.

Về phần mình, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, hoạt động liên kết thương mại phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, phục vụ lợi ích thiết thực của các nhà sản xuất và doanh nghiệp phân phối trên cơ sở tổng hợp, đánh giá thường xuyên về năng lực sản xuất, nhu cầu tiêu thụ của thị trường; sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương nhằm trao đổi, cung cấp thông tin, tổ chức liên kết đúng đối tượng, đạt hiệu quả.

Trong đó, các cấp chính quyền cần song hành với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rà soát ban hành và hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ khâu sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh hàng Việt, sản phẩm đặc sản của các địa phương...

TP Hà Nội thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư doanh nghiệp Trung Quốc

TP Hà Nội thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư doanh nghiệp Trung Quốc

Các tỉnh, thành phố cần quan tâm, khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị đầu tư công nghệ sau thu hoạch để sản phẩm có thể được bảo quản, sơ chế hoặc chế biến thành các dòng sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng. Từ đó, những sản phẩm này được tiêu thụ được tại nhiều thời điểm trong năm.

Ngoài ra, các địa phương phối hợp với cơ quan thông tấn, báo chí hỗ trợ tuyên truyền hoạt động liên kết thương mại, sản phẩm hàng hóa dịch vụ của các bên, thông qua bài viết, phóng sự theo chuyên đề để quảng bá sản phẩm, hàng hóa dịch vụ đến đông đảo doanh nghiệp, người tiêu dùng biết, ưu tiên lựa chọn, tiêu thụ, xuất khẩu.

“Thu hút đầu tư nước ngoài cần theo chiều sâu, gắn với mục tiêu phát triển bền vững, ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực, như: phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục