Đại Liên là khu dân cư người Nga được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 theo kiến trúc châu Âu, có giá trị lịch sử văn hóa sâu sắc, giàu tiềm năng phát triển du lịch, đã được liệt vào Danh mục Bảo tồn văn vật quốc gia Trung Quốc. Nhưng hiện nay khu di tích này đang bị dỡ bỏ để nhường đất xây dựng các khu công nghiệp. Những bức ảnh trên Nhân dân Nhật báo ngày 11-1 miêu tả bức tranh hoang tàn của thành phố Đại Liên đã dấy lên làn sóng phẫn nộ của giới truyền thông và người dân Trung Quốc.
Dù vậy, ông Đường Đông Ninh - Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch thành phố Đại Liên, giải thích: “Diện mạo thành phố cần phải có sự thống nhất, căn cứ vào quy định của pháp luật và yêu cầu quy hoạch tổng thể, phá hủy các khu phố cổ là phù hợp với tình hình thực tế của Đại Liên, tương thích với sự phát triển dài lâu của thành phố”.
Gần đây, đà phát triển nóng của kinh tế ngày càng “thôn tính” các di tích lịch sử ở Trung Quốc. Năm ngoái, thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô đã phá hủy kho lương quân sự có ngàn tuổi để xây dựng khu mua sắm; huyện Tứ, tỉnh An Huy đập bỏ ngôi chùa cổ hơn 900 năm để nhường đất cho nhà máy công nghiệp. Giới truyền thông chất vấn, tại sao Luật Bảo tồn văn vật quốc gia không thể giúp các di tích thoát khỏi cơn bão quy hoạch đất đai?
Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên chủ yếu là do thị trường bất động sản Trung Quốc không ổn định, giá đất liên tục tăng cao, các quan chức địa phương muốn tận dụng triệt để các cơ hội phát triển kinh tế bất chấp hành động phi nhân văn này.
Theo Tân Hoa xã, hiện tượng các di tích lịch sử bị làn sóng kinh tế “đàn áp” thể hiện sự bất ổn trong xã hội, phản ánh tư tưởng vụ lợi và cái nhìn thiển cận của bộ phận quan chức địa phương. Nhân dân Nhật báo cho rằng, khi người dân và các cơ quan chức năng không đồng thuận trong việc quy hoạch, thì chính phủ nên xem xét, tiến hành thảo luận, tham khảo ý kiến từ các nhà sử học rồi mới đưa ra quyết định. Giới truyền thông kêu gọi các cơ quan thẩm quyền nhà nước dựa vào Luật bảo tồn văn vật quốc gia truy cứu trách nhiệm, giải quyết triệt để tình trạng này. Đồng thời, chính quyền địa phương cần quản lý chặt bộ phận quy hoạch bất động sản, nỗ lực bảo tồn các di tích, tạo cầu nối giao thoa giữa lịch sử và thời đại.
THÔI THÔI