Trung Quốc quyết chống tham nhũng

Ngày 25-12, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành Kế hoạch 5 năm (2013-2017) về chống tham nhũng, nhằm lấy lại lòng tin của người dân, chấm dứt các cuộc biểu tình cũng như giải quyết những trở ngại do tham nhũng gây ra trong quá trình đổi mới kinh tế.
Trung Quốc quyết chống tham nhũng

Ngày 25-12, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành Kế hoạch 5 năm (2013-2017) về chống tham nhũng, nhằm lấy lại lòng tin của người dân, chấm dứt các cuộc biểu tình cũng như giải quyết những trở ngại do tham nhũng gây ra trong quá trình đổi mới kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Lý Đông Sinh (giữa) bị cách chức do “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.
Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Lý Đông Sinh (giữa) bị cách chức do “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.

Chú trọng thực chất

Kế hoạch trên được thông qua từ hồi tháng 8 nhằm xây dựng một hệ thống trừng phạt và phòng chống tham nhũng, trong đó nhấn mạnh phải điều tra tất cả các trường hợp và trừng phạt nghiêm khắc để răn đe người khác. Văn bản mang tên “Kế hoạch xây dựng và kiện toàn công tác phòng chống tham nhũng 2013 – 2017”. Bản kế hoạch nêu rõ: “Nếu không được xử lý thỏa đáng, các vấn đề về tác phong làm việc và tham nhũng sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho Đảng, thậm chí còn đẩy Đảng và đất nước đến chỗ diệt vong”. Mục tiêu đặt ra theo kế hoạch là trong vòng 5 năm sẽ tạo được sự hài lòng trong dân chúng.

Bản kế hoạch kể ra các hình thức tham nhũng như những thỏa thuận đổi tiền lấy quyền lực, tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp, các vi phạm lớn về nguyên tắc chính trị, các sự cố và tai nạn xảy ra vì các quan chức tham nhũng, các kiểu hối lộ trong thương mại và tham nhũng trong việc lựa chọn quan chức. Nhấn mạnh các hiện tượng tham nhũng, chủ nghĩa hình thức, tệ quan liêu đang ngày càng nghiêm trọng, biến hóa muôn hình muôn vẻ và nêu rõ phải đấu tranh chống lại các lối làm việc có hại - vốn là môi trường thuận lợi cho tham nhũng; đồng thời cho rằng giáo dục chống tham nhũng đóng vai trò quan trọng, với trọng tâm là giáo dục về luật pháp, quy định, đạo đức và các trường hợp tham nhũng điển hình nhằm cảnh báo về hậu quả của tham nhũng.

Chống tham nhũng cũng nên trở thành một chủ đề quan trọng trong các hoạt động và sản phẩm văn hóa công cộng, cũng như các chương trình trên truyền thông nhằm định hướng dư luận và khuyến khích các hành vi văn hóa. Bên cạnh đó, văn bản đề nghị cơ quan chính quyền địa phương các cấp thực hiện việc công khai ngân sách và các hoạt động của mình. Bản kế hoạch nhấn mạnh vai trò quan trọng của Đảng và các ủy ban kỷ luật trong việc thúc đẩy các chương trình chống tham nhũng.

Bản kế hoạch cũng kêu gọi cải tiến hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo việc thực thi hiệu quả các quy định chống suy đồi đạo đức, như liên quan đến việc sử dụng xe công, xây dựng các khu văn phòng, đón tiếp doanh nghiệp và các chuyến đi nước ngoài. Bên cạnh đó, bản kế hoạch đề nghị mở rộng diện giám sát chống tham nhũng sang các tòa án và các hệ thống công tố nhằm đảm bảo việc điều tra và ra phán quyết hợp pháp và độc lập.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hoan nghênh kế hoạch trên là một bản hướng dẫn quan trọng cho cuộc chiến chống lề lối làm việc có hại và chống tham nhũng cho tới năm 2017.
 
Mạnh tay với quan tham

Các chuyên gia Trung Quốc nhận định, kế hoạch chống tham nhũng 5 năm lần này không chỉ xử lý các vụ án nhỏ lẻ mà còn cần phải giải quyết đến tận gốc của vấn nạn tham nhũng.

Giáo sư Mã Hoài Đức, Phó giám đốc Đại học Chính trị và Pháp luật Trung Quốc, cho rằng “Nghị quyết của Đảng về kế hoạch chống tham nhũng 5 năm sắp tới tập trung giải quyết trên cả hai bình diện: các vấn đề bề nổi và căn nguyên của nạn tham nhũng”. Giáo sư Giang Minh An thuộc Trường Luật, Đại học Bắc Kinh bình luận, kế hoạch lần này là một nỗ lực tổng hợp, khiến các quan chức không dám, không thể và không dễ gì tham nhũng.

Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc đã trừng phạt 108.000 tham quan trong 9 tháng đầu năm nay. Trường hợp bị xử lý gần đây nhất là cựu Thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh. Theo một thông báo chính thức được Tân Hoa xã công bố ngày 25-12, ông Lý Đông Sinh bị rút khỏi mọi chức vụ do “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.

Ông Lý Đông Sinh là một trong 9 thứ trưởng của Bộ Công an, đồng thời là Phó Bí thứ Đảng ủy Bộ Công an. Tuần trước, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra quyết định điều tra ông Lý Đông Sinh. Vụ án mới nhất này được nhận định là thể hiện quyết tâm cao của giới lãnh đạo mới Trung Quốc trong việc chống tham nhũng.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục