Trung Quốc: Số ca nhiễm nCoV tăng, thêm bệnh viện dã chiến đi vào hoạt động

Theo China Daily, ngày 8-2, Bệnh viện dã chiến Lôi Thần Sơn bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân điều trị dịch nCoV tại Vũ Hán. Đây là bệnh viện dã chiến thứ hai được mở tại tâm điểm của dịch bệnh. Trước đó, ngày 3-2, Bệnh viện Hỏa Thần Sơn đi vào hoạt động với 1.000 giường bệnh.
Bệnh viện dã chiến Lôi Thần Sơn
Bệnh viện dã chiến Lôi Thần Sơn

Nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện

Bệnh viện có 32 khu điều trị, cung cấp khoảng 1.500 giường bệnh cho bệnh nhân. Chính phủ Trung Quốc huy động gần 7.000 nhân công để ráo riết hoàn thành công trình. Ngoài việc xây dựng các bệnh viện dã chiến, Vũ Hán cũng đã biến nhiều tòa nhà thành bệnh viện nhằm ứng phó với số bệnh nhân liên tục gia tăng cũng như giảm tải cho cả hệ thống các bệnh viện vốn đang rơi vào tình trạng quá tải do các ca nhiễm virus nCoV trong những ngày qua.

Cùng ngày, giới chức Trung Quốc đã xác nhận thêm 3.399 trường hợp nhiễm nCoV và 86 trường hợp tử vong tại 31 tỉnh thành của Trung Quốc. Như vậy, với con số 34.546, số ca nhiễm mới của Trung Quốc đã tăng trở lại sau 2 ngày liên tiếp giảm. Số người tử vong do dịch bệnh đang ở mức 722, vượt qua con số 650 người chết do bệnh SARS năm 2002-2003 tại Trung Quốc đại lục và Hồng Công. 

Nghiên cứu mới từ tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA) cho thấy, đã có 40 nhân viên y tế bị nhiễm virus từ các bệnh nhân tại một bệnh viện ở TP Vũ Hán trong tháng 1 qua. Điều này phản ánh nguy cơ mà những người đang ở tuyến đầu của cuộc chiến chống dịch bệnh phải đối mặt. Trong số 40 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, có 31 người làm việc trong phòng khám đa khoa, 7 người trong phòng cấp cứu và 2 người trong khoa hồi sức tích cực. Không chỉ riêng các nhân viên y tế, còn có 17 người nhập viện vì nguyên nhân khác cũng bị lây nhiễm virus. Tổng số bệnh nhân bị nhiễm virus trong giai đoạn từ ngày 1-1 đến 28-1 vừa qua là 138 trường hợp, trong đó số ca bị lây nhiễm trong bệnh viện chiếm tới 41%.

Tỷ lệ lây nhiễm sang các nhân viên y tế cho thấy nguy cơ cao trong các bệnh viện ở giai đoạn đầu của dịch bệnh. Michael Head, chuyên gia y tế toàn cầu của Đại học Southampton, nhận định nếu như điều này là sự thật, sẽ có những bệnh nhân có khả năng lây nhiễm cao hơn những người khác, và nó sẽ gây khó khăn trong việc kiểm soát các ca nhiễm. Trước đó, giới chức tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) cũng đã thừa nhận đội ngũ y tế tại vùng tâm dịch đang phải gồng mình chống dịch trong khi số lượng đồ bảo hộ lại không đủ đáp ứng.

Virus tồn tại 9 ngày

Trong công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Journal of Hospital Infection, giới nghiên cứu ở Đức cho biết nCoV có thể tồn tại tới 9 ngày trên bề mặt các vật dụng với nhiệt độ trong nhà và con người có thể nhiễm virus bất cứ lúc nào trong thời gian này. Đây là thời gian tồn tại tối đa của virus nCoV bên ngoài vật chủ. Thời gian tồn tại trung bình của virus này bên ngoài vật chủ là 4 - 5 ngày.

Công cụ khử trùng được các nhà khoa học khuyến cáo là các dạng dung dịch như ethanol, hydrogen peroxide (oxy già) hoặc sodium hypochlorite. Do chưa có liệu pháp đặc hiệu chống virus corona chủng mới nên việc ngăn ngừa nhiễm khuẩn là rất quan trọng. Giống như các trường hợp lây nhiễm qua không khí, virus nCoV lây lan qua bàn tay và các bề mặt được chạm thường xuyên.

Kết quả nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy ít nhất 50% số ca lây nhiễm nCoV từ người sang người xảy ra khi người bệnh đầu tiên chưa xuất hiện các triệu chứng.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt khẩu trang và các thiết bị bảo vệ khác trong cuộc chiến đối phó với nCoV. Giá các loại mặt hàng như khẩu trang đã tăng hơn 20 lần tại một số nơi trên thế giới. Theo ông, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi khẩu trang “sử dụng không hợp lý” bởi những người không bị ốm hay không phải là nhân viên y tế.

-------------

Trong khi dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc, sự hy sinh thầm lặng của những y tá, bác sĩ đang mạo hiểm cả sinh mạng để giành lại sự sống cho bệnh nhân đã tiếp thêm sức mạnh cho người dân nước này. Đó là câu chuyện của bác sĩ Trương, người mắc chứng viêm xương tủy tại bệnh viện thị trấn Quảng Kiều ở TP Lưu Dương, tỉnh Hồ Nam. Ông đã tình nguyện làm việc tại tuyến đầu một trạm theo dõi để ngăn chặn dịch từ ngày 26-1 dù đi lại rất khó khăn do chỉ có thể đứng trên một chân và đang phải sử dụng nạng. Trong ca trực 12 tiếng trong một ngày, ông kiểm tra nhiệt độ của từng người đi qua trạm giám sát nằm ở thị trấn Quảng Kiều, giữa TP Lưu Dương và TP Chu Châu, tỉnh Hồ Nam và báo cáo bất cứ ai bị sốt. Tính đến nay, bác sĩ Trương cùng các đồng nghiệp, giới chức địa phương và cảnh sát đã kiểm tra 1.406 phương tiện đi qua trạm kiểm tra thị trấn Quảng Kiều.

Tin cùng chuyên mục