Trước các phiên chất vấn - trả lời chất vấn bắt đầu từ sáng 23-11, nhiều báo cáo quan trọng đã được Chính phủ gửi đến đại biểu Quốc hội để cung cấp những thông tin “nóng” mà cử tri và đại biểu quan tâm.
Tai nạn giao thông là quốc nạn
Theo Báo cáo về tình hình và các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ để ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tai nạn giao thông trong cả nước và ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, tính bình quân ở Việt Nam trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm có 11.929 người chết và 9.290 người bị thương do tai nạn giao thông gây ra. Với những thiệt hại về người và tài sản to lớn như vậy, tai nạn giao thông có thể coi là “quốc nạn” mà cả hệ thống chính trị cần kiên quyết chung tay giảm thiểu.
Để đạt được mục tiêu giảm từ 5%-10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông hàng năm, nhiều giải pháp cụ thể đã được Chính phủ nêu rõ. Đó là tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đảm bảo tính đồng bộ và các giải pháp mạnh có tính răn đe; xây dựng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đủ mạnh và nâng cao mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông…
Trách nhiệm của Bộ GTVT trong vụ Vinashin
Liên quan đến Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, trách nhiệm của bộ đã được nêu rõ tại kết luận của Thanh tra Chính phủ. Đó là chưa kiên quyết có những giải pháp kịp thời và hiệu quả để yêu cầu Hội đồng Quản trị Vinashin xây dựng, trình Thủ tướng ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động, bổ nhiệm hoặc thuê tổng giám đốc điều hành; chưa phát hiện kịp thời những yếu kém và cố ý làm trái trong hoạt động của tập đoàn để chủ động đề nghị các cơ quan chức năng báo cáo Thủ tướng ngăn chặn, xử lý.
Bộ đã hướng dẫn Vinashin hoàn chỉnh hồ sơ để bộ thẩm định, trình và được Thủ tướng phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty mẹ - Vinashin và quyết định kiện toàn hội đồng thành viên, tổng giám đốc tập đoàn. Qua một năm thực hiện tái cơ cấu, bộ đã hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với Vinashin, trực tiếp tháo gỡ khó khăn để tập đoàn từng bước ổn định sản xuất kinh doanh.
Không có quỹ bình ổn, lạm phát còn cao hơn!
Đó là khẳng định của Bộ Tài chính về điều hành giá xăng dầu. Bộ này giải thích, nếu không sử dụng quỹ, bắt buộc phải điều chỉnh giá xăng dầu tăng (bằng mức sử dụng quỹ) sẽ tác động làm tăng trực tiếp chỉ số giá tiêu dùng từ 0,33%-0,494%. Dù thừa nhận việc trích lập quỹ để tại doanh nghiệp thiếu minh bạch, doanh nghiệp dễ sử dụng vào mục đích kinh doanh, song Bộ Tài chính vẫn kiến nghị duy trì quỹ, khẳng định sẽ hậu kiểm, quyết toán vào cuối năm.
Tới đây, do giá xăng dầu vẫn chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá cơ sở nên trước mắt vẫn chưa thể để các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối tự đăng ký, quyết định giá. Tuy nhiên, Bộ Tài chính sẽ xem xét để sửa đổi chu kỳ tính giá cơ sở 10 ngày để phù hợp hơn với tần suất điều chỉnh giá, thay vì 30 ngày như hiện nay; đồng thời nghiên cứu đưa lợi nhuận ra ngoài giá cơ sở để tính toán lỗ - lãi của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; bổ sung các quy định về kiểm tra, kiểm toán, công bố, minh bạch thông tin và chế tài xử lý vi phạm…
Tái thẩm định thiết kế hồ bùn đỏ
|
Theo Báo cáo tổng hợp việc thực hiện lời hứa qua hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, Bộ Công thương cho biết đã chỉ đạo chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm, uy tín để tái thẩm định thiết kế hồ bùn đỏ Tân Rai. Bộ cũng đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát, nghiên cứu, rút kinh nghiệm về đảm bảo an toàn cho các dự án bauxite. Hiện tại báo cáo đánh giá tác động môi trường đang được thẩm định, dự kiến trình Thủ tướng trong tháng 11-2011.
Bản báo cáo thẳng thắn nhìn nhận, sự cố rò rỉ xút ở dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng xảy ra trong thời gian gần đây là điều đáng tiếc, nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của người thi công. Nhờ khắc phục kịp thời nên theo đánh giá ban đầu, mức độ ảnh hưởng đến môi trường là không đáng kể.
Bộ Công thương cũng đã yêu cầu các cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm, khẩn trương khắc phục hậu quả của sự cố, giải quyết bồi thường thiệt hại (nếu có) cho các hộ dân bị ảnh hưởng; đồng thời khẩn trương lập và phê duyệt biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định.
Đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2010, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đầu tư 3.576 tỷ đồng vào chứng khoán, 2.236 tỷ đồng vào lĩnh vực bảo hiểm, 5.379 tỷ đồng vào bất động sản, vào quỹ đầu tư 495 tỷ đồng; riêng lĩnh vực ngân hàng vượt trội với 10.128 tỷ đồng.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho biết, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã cơ cấu để giảm dần tỷ lệ vốn góp vào các lĩnh vực nêu trên. Tuy nhiên việc thoái vốn ở những lĩnh vực này chưa hoàn thành được mục tiêu đề ra của Chính phủ. Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định về đầu tư vốn nhà nước làm chủ sở hữu vào cuối năm 2011. Ban đầu, nội dung này dự kiến được luật hóa nhưng nay sẽ chỉ được quy định trong một nghị định.
Anh Thư