Năm 2015, Việt Nam sẽ mở cánh cửa quan trọng, bước vào sân chơi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Chúng ta đã và đang chuẩn bị cho sân chơi lớn này như thế nào?
Ông PHẠM BÌNH AN, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO TPHCM:
Năng lực cạnh tranh quyết định sự thành công
Sau 20 năm là thành viên của ASEAN, và nay Việt Nam đang có nhiều nỗ lực để hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) là bước phát triển tất yếu.
Ông PHẠM BÌNH AN, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập WTO TPHCM
AEC sẽ đem lại các cơ hội to lớn: một thị trường đơn nhất lớn gấp 7 lần (630 triệu dân, chứ không chỉ 90 triệu dân). Đầu tư trong khu vực trở nên hấp dẫn hơn, đồng vốn tự do sẽ chuyển dịch đến nơi có hiệu quả, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển và kéo theo cơ hội việc làm. AEC còn tạo cơ hội cho các quốc gia chậm phát triển hơn và các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Song song đó, cạnh tranh chắc chắn sẽ tăng lên và ngày càng khốc liệt, không chỉ về sản phẩm hàng hóa mà ngay cả lao động có tay nghề. Một thách thức khác là ngay cả trong ASEAN, Việt Nam cũng thuộc nhóm chậm phát triển (nhóm CVLM hay ASEAN-4), với các chỉ số về môi trường kinh doanh hay năng lực cạnh tranh quốc gia ở mức thấp và ít được cải thiện.
Bản chất hội nhập kinh tế quốc tế chính là quá trình cạnh tranh ngày càng mở rộng và bình đẳng hơn, do đó cải thiện năng lực cạnh tranh của DN là yếu tố quyết định thành công của hội nhập. Bên cạnh nỗ lực của các DN, sự hỗ trợ của Nhà nước là không thể thiếu. Có 3 vấn đề chính quyền cần quan tâm khi hỗ trợ các DN:
Thứ nhất, hoạt động hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu thực của các DN và đảm bảo đến được DN. Thứ hai, hỗ trợ kèm theo các điều kiện để tự vươn lên và lớn mạnh nhắm tới thoát khỏi bảo trợ của Nhà nước, chứ không thể dựa dẫm trong ngắn hạn, được đến đâu hay đến đó. Thứ ba, hỗ trợ lớn nhất của Nhà nước chính là cải thiện thực sự môi trường kinh doanh và đầu tư. Trong đó, sự đồng hành giữa chính quyền và DN phải là thực chất. Đã có rất nhiều các nghiên cứu và các chỉ số đánh giá về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, vấn đề là hãy xem xét một cách cầu thị các thành phần của các chỉ số này và đặt ra kế hoạch cải thiện. Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ là một tín hiệu tốt, nhưng cần làm mạnh mẽ hơn nữa ở các địa phương, nơi chủ yếu tạo ra môi trường kinh doanh của các DN.
Ông LÂM MINH HUY, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Hội nhập phát triển Đông Hưng:
Phải chọn một hướng đi đúng
Ông LÂM MINH HUY, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Hội nhập phát triển Đông Hưng
Bước vào năm 2015, kinh tế vĩ mô ổn định, DN đã yên tâm hơn với tình hình lạm phát, lãi suất, nguồn vốn cho DN đã dồi dào hơn. Tuy nhiên, sức mua cũng đang trong giai đoạn chặn đứng đà giảm sút chứ chưa hồi phục thực sự. Riêng với Đông Hưng (đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Citimart), từ tháng 11-2014, công ty đã công bố thương hiệu mới AeonCitimart, là kết quả của sự hợp tác chiến lược với Tập đoàn bán lẻ Aeon (Nhật Bản). Mục tiêu của việc hợp tác giữa Citimart và Aeon là xây dựng một hệ thống siêu thị bán lẻ chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh hội nhập. Tiến trình toàn cầu hóa, đặc biệt là việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong năm 2015 giúp chúng tôi nhận ra rằng, chìa khóa thành công chính là tối ưu hóa hoạt động quản trị nội bộ và hiệu quả hóa bộ máy vận hành. Để vươn xa hơn, Citimart buộc phải tìm kiếm sự hợp tác và hỗ trợ từ các tập đoàn bán lẻ trên thế giới với kinh nghiệm và năng lực đã được khẳng định. Với cách làm này, chúng tôi vừa có thể bảo toàn và phát triển thương hiệu do chính mình gầy dựng, vừa đủ sức đối đầu với các “đối thủ” bán lẻ hàng đầu thế giới đang đầu tư mạnh vào Việt Nam.
Ông PHAN ĐÌNH TUỆ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank:
Xây dựng ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế
Hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN từ năm 2015, cũng như các ngành nghề khác, ngành ngân hàng (NH) không chỉ cạnh tranh với các NH trong nước mà phải đối mặt với sự cạnh tranh do sự thâm nhập của các NH trong khối vào thị trường nội địa. Sự cạnh tranh khốc liệt hơn sẽ buộc NH tìm kiếm cơ hội kinh doanh bằng cách chọn lối đi riêng. Sacombank đang địa phương hóa chiến lược bán lẻ, mở rộng phòng giao dịch khắp các vùng miền, không chỉ các TP lớn mà còn về cả nông thôn, vùng sâu và vùng xa, vốn thường là những “điểm trắng” về dịch vụ NH. Sacombank còn thành lập các chi nhánh tại Lào và Campuchia và hiện các chi nhánh này hoạt động rất hiệu quả, đóng góp vào lợi nhuận cho NH.
Ông PHAN ĐÌNH TUỆ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank
Để chuẩn bị hội nhập, Sacombank đã tái cấu trúc chiến lược bán lẻ, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu; tập trung vào các lĩnh vực tiên phong như NH điện tử, cải tiến các thủ tục cho vay… Trong thời gian tới, Sacombank tiếp tục kiện toàn hệ thống quản trị hướng đến chuẩn mực quốc tế với mục tiêu xây dựng NH bán lẻ đa năng và toàn diện. Sacombank là một trong 10 NH được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn triển khai chuẩn mực Basel II trong quản lý rủi ro. Chúng tôi tin tưởng rằng, việc triển khai Basel II sẽ mang lại cho Sacombank sự quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế để cạnh tranh với các NH trong khu vực.
Ông LƯƠNG HOÀI NAM, chuyên gia ngành hàng không:
Hàng không phải nâng chất lượng hoạt động
Trong 10 nước Asean có rất nhiều hãng hàng không đạt tiêu chuẩn 5 sao và 4 sao như của Singapore, Malaysia, Brunei, Thái Lan… Trong khi đó, nhiều hãng hàng không Việt Nam mới đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đây chính là thách thức rất lớn khi tiến trình tự do hóa hàng không trong khối ASEAN được thực hiện. Với “Bầu trời mở ASEAN”, tất cả những giới hạn trên được xóa bỏ, các hãng hàng không Việt Nam không có con đường nào khác: phải nâng chất lượng hoạt động.
Ông LƯƠNG HOÀI NAM, chuyên gia ngành hàng không
Tuy nhiên, không phải tất cả các hãng hàng không của Việt Nam đều có sự cách biệt lớn về chất lượng phục vụ so với nhiều hãng trong khối ASEAN. Hai hãng giá rẻ Jetstar Pacific, Vietjet… đều có chất lượng phục vụ đạt chuẩn 3 sao. Do vậy, sự cạnh tranh của nhóm các hãng hàng không giá rẻ Việt Nam với các hãng giá rẻ trong khu vực, cơ bản là “ngang tài, ngang sức”, không đáng lo. Vấn đề cần quan tâm nhất là sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không truyền thống với những dịch vụ phục vụ trung và cao cấp. Vietnam Airlines đang nỗ lực để nâng chất lượng hoạt động đạt chuẩn 4 sao. Để cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, Vietnam Airlines phải tính toán đưa ra mức giá hợp lý, phù hợp với chất lượng dịch vụ như là một trong những giải pháp cạnh tranh hữu hiệu với các hãng truyền thống khác.
NHÓM PHÓNG VIÊN