Ngày 1-11-2014, bộ truyện tranh lịch sử Truyền thuyết Long Thần Tướng chính thức ra mắt bạn đọc cả nước. Giữa rừng truyện tranh trong và ngoài nước đang có trên thị trường thì việc xuất hiện một bộ truyện tranh như trên không phải là điều gì đặc biệt. Thế nhưng Truyền thuyết Long Thần Tướng vẫn tạo được sự chú ý không hẳn vì nội dung mà là bản thân việc hình thành tác phẩm.
Tái hiện lịch sử đất nước
Truyền thuyết Long Thần Tướng là bộ truyện tranh lịch sử giả tưởng của ba tác giả trẻ: Thành Phong, Khánh Dương và Mỹ Anh. Tác phẩm lấy bối cảnh quãng thời gian trước khi diễn ra cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ hai (từ năm 1282 đến 1284). Đây là giai đoạn đấu trí vô cùng căng thẳng giữa nhà Trần và nhà Nguyên sau khi quân Nguyên vừa thất bại trong lần xâm lược thứ nhất và chuẩn bị cho cuộc xâm lược thứ hai. Đây cũng là thời điểm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử dân tộc như hội nghị Bình Than, Diên Hồng, Hịch tướng sĩ xuất hiện…
Tác phẩm xoay quanh cuộc phiêu lưu của một thiếu niên tên Long trong hành trình chống lại các thế lực phản bội đang lăm le phá hoại lực lượng nhà Trần nhằm tạo điều kiện để quân Nguyên tiếp tục tiến công đánh chiếm nước ta. Các yếu tố, nhân vật hư cấu được đan xen với những sự kiện, nhân vật có thật trong lịch sử tạo nên sự sống động cho tác phẩm.
Tuy là truyện tranh, thể loại văn hóa đọc ít được đánh giá cao về tính chân thực nhưng trong tác phẩm, hình ảnh thời đại được xem là cực thịnh của nhà Trần được tái hiện chân thực và chính xác về văn hóa, trang phục và bối cảnh xã hội. Qua đó, độc giả có thể hình dung đầy đủ về một giai đoạn lịch sử với nhiều sự kiện lớn và những cuộc chiến oai hùng của dân tộc Việt Nam.
Làm truyện tranh chuyên nghiệp
Thực tế, bản gốc của tác phẩm Truyền thuyết Long Thần Tướng gồm 15 chương đã xuất hiện cách đây 10 năm, từng được đăng trên Tạp chí Truyện Tranh Trẻ của NXB Trẻ từ tháng 12-2004 đến tháng 7-2005. Đây cũng là tác phẩm đầu tay của hai tác giả Thành Phong và Khánh Dương. Tác phẩm được bạn đọc trẻ đánh giá cao nhưng do tạp chí dừng xuất bản nên bộ truyện này đành kết thúc. Thành Phong và Khánh Dương chuyển qua các dự án truyện tranh khác.
Khoảng tháng 4-2014, các tác giả quyết định làm mới lại đứa con tinh thần của mình, sau 10 năm trải nghiệm họ đã trở nên chín chắn cả về tay nghề lẫn vốn sống. Điều đó được thể hiện rõ qua việc xây dựng được một đội ngũ thực hiện truyện tranh chuyên nghiệp. Họa sĩ chính là Thành Phong. Họa sĩ phụ, vẽ các tuyến truyện song song, hỗ trợ tuyến chính là Mỹ Anh, người khi mới 16 tuổi đã đoạt giải thưởng của tạp chí truyện tranh lớn nhất Nhật Bản Shonen Jump. Đảm nhiệm kịch bản là Khánh Dương - một biên kịch từng tham gia các series truyền hình như Nhật ký Vàng Anh (phần 2), Bộ tứ 10A8, 5S Online.
Và, vì đây là bộ sách liên quan đến lịch sử nên nhóm thực hiện đã mời nhà nghiên cứu trẻ Trần Quang Đức - tác giả của Ngàn năm áo mũ, công trình nghiên cứu về trang phục trong lịch sử Việt Nam được đánh giá cao hiện nay - làm cố vấn về trang phục và ngôn ngữ.
Phiên bản mới chỉ giữ lại các nhân vật chính của Truyền thuyết Long Thần Tướng năm 2004, còn toàn bộ hình ảnh và nội dung đều được vẽ lại và làm mới.
Dấu ấn
Sự xuất hiện trở lại của Truyền thuyết Long Thần Tướng gây được sự chú ý thị trường truyện tranh Việt. Điều làm cho tác phẩm này trở thành một tác phẩm ghi dấu ấn đặc biệt là nó được hình thành nhờ phương thức gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) và đây là dự án truyện tranh đầu tiên thành công với mô hình này. Chỉ trong vòng 4 tháng kêu gọi, dự án đã nhận được hơn 300 triệu đồng đóng góp để thực hiện tập 1 của bộ truyện.
Thế nhưng, để đạt thành công thì đường đi không dễ dàng, việc kêu gọi hỗ trợ của nhóm tác giả đã gặp phải sự nghi ngờ, thậm chí gần như là kỳ thị của một số người. Có người còn cho rằng, việc kêu gọi hợp tác thực tế là trò “ngửa tay xin tiền” hoặc “muốn có tiền thì làm trước đi, hay thì sẽ có tiền”… Thậm chí, ngay cả bộ truyện đã ra mắt vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận về việc người góp vốn sẽ được gì.
Ở Việt Nam từ trước đến nay, việc làm sách nói chung hay truyện tranh nói riêng đều phải dựa vào nguồn vốn đơn lẻ, có thể là của cá nhân tác giả hay của NXB hoặc một đơn vị nào đó. Nhược điểm của phương thức này là bạn đọc không hay biết gì về quy trình sáng tác, xuất bản và bản thân tác giả phải chịu chi phối từ nhà đầu tư. Với mô hình gây quỹ cộng đồng, những người đóng góp sẽ được theo dõi quy trình thực hiện, góp ý về ý tưởng… các tác giả được tự do trong sáng tác, không bị ràng buộc bởi nhà đầu tư.
Chính vì thế, dù về mặt nghệ thuật, Truyền thuyết Long Thần Tướng có thể thành công hay thất bại nhưng với việc thành công trong phương thức tạo nên nguồn vốn để hiện thực hóa ý tưởng, tác phẩm đã tạo nên sự khích lệ cũng như gợi ý về bài học kinh nghiệm cho những người sáng tác. Nó mở ra con đường mới để các tác giả có thể đưa tác phẩm đến với cộng đồng, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực truyện tranh mà còn trong các dạng sáng tác, sáng tạo khác.
|
Tường Vy