Tự băm nhỏ thị phần

Hội nghị toàn quốc các doanh nghiệp dược trong nước vừa khép lại nhưng dư âm là những nỗi băn khoăn. Mặc dù theo thống kê của Hiệp hội Sản xuất và kinh doanh dược Việt Nam, hiện cả nước có 102 doanh nghiệp thành viên nhưng sự thiếu liên kết, cạnh tranh không lành mạnh lẫn nhau đang khiến ngành dược trong nước ngày càng bị “lép vé” trước các hãng dược nước ngoài.

Tuy rằng thị phần của các doanh nghiệp dược trong nước được nâng lên, nhưng tỷ trọng thuốc trong nước mới chỉ đạt 50%, trong khi chỉ đạo của Chính phủ phấn đấu đến hết năm 2010 phải đạt 60%. Sự “chậm chạp” này đang khiến phân khúc thị trường dược phẩm rơi vào tay của các hãng dược nước ngoài mà nói như một lãnh đạo Bộ Y tế là… lấy lại rất khó. Không chỉ thiếu đầu tư cơ sở vật chất, nguyên liệu, công nghệ mà ngay cả hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp dược trong nước đã có sự chồng chéo, đè lên nhau.

Chẳng hạn cùng một loại thuốc Paracetamol nhưng có tới 3-4 công ty dược tranh nhau làm. Điều đó vô hình trung đã tạo sự cạnh tranh lẫn nhau, thay vì đầu tư để sản xuất những loại thuốc mới có thể cạnh tranh với các loại thuốc của nước ngoài.

Nói như một giám đốc công ty dược phẩm ở TPHCM, hễ cứ thấy thuốc nào trên thị trường mà doanh nghiệp bạn bán chạy, y như rằng vài ba tháng sau một số doanh nghiệp khác nộp hồ sơ xin cấp số đăng ký thuốc đó. Tên thương mại có khác nhau nhưng hoạt chất, tính sinh khả dụng lại giống nhau.

Một chuyên viên của Cục Quản lý dược-Bộ Y tế cho biết, hàng tháng xét số đăng ký thuốc mà các mặt hàng giống nhau quá nhiều, liệu cấp cho mặt hàng nào mà bỏ mặt hàng nào! Điều đó làm cho các sản phẩm thuốc trong nước trở nên kém cạnh tranh và doanh nghiệp trong nước tự băm nhỏ thị phần lẫn nhau.

Trong Hội nghị toàn quốc Hiệp hội Sản xuất-kinh doanh dược vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang thẳng thắn cho rằng, một trong những định hướng quan trọng của ngành dược là liên kết hợp tác cùng phát triển. Ông Quang nói, lâu nay doanh nghiệp trong nước cạnh tranh lẫn nhau, trong khi cạnh tranh với nước ngoài đã… bở hơi tai.

Theo ông Quang, nâng cao thương hiệu thuốc Việt là trách nhiệm của các doanh nghiệp dược, bên cạnh những hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng đòi hỏi đầu tiên là chính các doanh nghiệp tự thân nâng cao chất lượng sản xuất, mở rộng cơ cấu sản phẩm mới. Với tư cách đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, ông Quang khẳng định rằng, nếu doanh nghiệp có sản phẩm thuốc mà chứng minh được tương đương về bào chế, về điều trị và sinh học với thuốc nước ngoài thì bệnh viện, người bệnh yên tâm sẵn sàng mua thuốc nội.

Ngoài ra, doanh nghiệp dược cần chú trọng đến sản xuất các mặt hàng có nguồn gốc dược liệu vốn rất phong phú ở trong nước để hạn chế  nhập khẩu tới 90% như hiện nay. Để làm được điều đó, cộng đồng doanh nghiệp dược cần hỗ trợ lẫn nhau trong việc quy hoạch các vùng trồng nguyên liệu, đầu tư công nghệ và phát triển thị trường. Nói như ông Đỗ Văn Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất-kinh doanh dược Việt Nam, có liên  kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp dược mới nhân lên sức mạnh, thương hiệu thuốc Việt trên thị trường trong quá trình hội nhập và phát triển

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục