Tự chủ tài chính bệnh viện: Loay hoay tìm giải pháp

Tháng 4-2021, khi hơn 200 nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đồng loạt nghỉ việc, câu chuyện thu nhập của bác sĩ và tự chủ của bệnh viện một lần nữa được đặt ra. Dù không phải là tình trạng mới, nhưng đến nay, các bệnh viện vẫn đang loay hoay trong cơ chế “tự chủ nửa vời” và y bác sĩ cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.
Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 được đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 được đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Không mặn mà với bệnh viện công

Với mức lương chưa đầy 6 triệu đồng/tháng, sau 28 tháng làm việc, bác sĩ Lê Trần Diễm Phương công tác tại Bệnh viện huyện Tân Phú (Đồng Nai) đã không ngần ngại bỏ ngoài tai tất cả lời khuyên của bạn bè, gia đình, xin nghỉ việc để đi kiếm cơ hội mới. May mắn thời điểm đó có một công ty tiêm chủng vaccine tuyển dụng, chị nộp hồ sơ và trúng tuyển với mức lương khởi điểm là 18 triệu đồng. “Làm việc ở bệnh viện huyện, người ta giao gì mình phải làm đấy, không được làm khác đi, hay sáng tạo nên không có cơ hội phát triển. Còn ở đây, gặp những người giỏi, áp lực nhiều nhưng xứng đáng”, bác sĩ Diễm Phương cho biết.

Đồng quan điểm với chị Diễm Phương, bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cho biết, để bác sĩ không rời khỏi bệnh viện công, thì thu nhập phải đủ sống và môi trường cũng phải đảm bảo cho bác sĩ có điều kiện để phát triển chuyên môn, năng lực. Theo bác sĩ Ngô Đức Tuấn, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai có 15 bác sĩ nghỉ việc. Cùng thời gian, toàn tỉnh Đồng Nai có 27 bác sĩ nghỉ việc, trong tổng số 31 nhân viên y tế bỏ bệnh viện công. Thống kê năm 2019 cho thấy, Đồng Nai có 119 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 104 bác sĩ. Năm 2020, 91 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 80 bác sĩ. Tỷ lệ không nhỏ trong đó là các bác sĩ có trình độ thạc sĩ, chuyên khoa 1, chuyên khoa 2. 

Tại TPHCM, dù chưa có thống kê chính thức, nhưng cũng đã xảy ra tình trạng bác sĩ bỏ bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư. Đơn cử, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh dù mới thành lập, đã “hút” nhiều bác sĩ có tên tuổi tại các bệnh viện công lớn của thành phố. Nhận định về thực trạng này, PGS-TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết, thu nhập của bác sĩ công và tư chênh lệch quá lớn. Do đó bệnh viện công cần phải bù đắp phần chênh lệch đó bằng môi trường làm việc công bằng, minh bạch, động viên kịp thời những nhân sự tốt, giữ chân các bác sĩ giỏi chuyên môn.

Thách thức hay cơ hội?

Mặc dù cơ chế tự chủ tài chính còn gặp nhiều bất cập, nhưng tại một số bệnh viện đó là cơ hội. Đơn cử, tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai) dù quy mô chỉ 600 giường, nhưng bệnh viện thường xuyên tiếp nhận nội trú trên 1.000 người. Bệnh viện xây dựng cơ sở mới, trang bị máy móc mới, triển khai các kỹ thuật cao, mời các chuyên gia của TPHCM về khám bệnh. Đây cũng là bệnh viện đầu tiên của tỉnh thực hiện thành công bệnh án điện tử, giúp giảm thời gian làm giấy tờ hành chính của nhân viên y tế, từ đó có thêm thời gian chăm sóc người bệnh.

Bác sĩ Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, nhận định, tự chủ là giúp bệnh viện ngày càng thay đổi. Thế nhưng, cơ hội không dành cho tất cả. Tỉnh Đồng Nai với quy mô dân số 3 triệu người, nếu bệnh viện này thu hút người bệnh thì nơi khác phải chấp nhận mất đi lượng bệnh đó. Dù là tự chủ nhưng thực tế các bệnh viện công không được tự chủ về nhân sự, không được tự chủ về khung giá. Thời điểm trước đây, y tế tư nhân đòi cơ chế công bằng với y tế công lập. Nhưng bây giờ thì ngược lại, bệnh viện công lập đòi cơ chế như bệnh viện tư nhân. “Trước cơ chế tự chủ của ngành y tế, lãnh đạo nhiều bệnh viện cũng rất trăn trở giữa cơ hội và thách thức. Nếu vẫn chưa có cơ chế của tự chủ thực chất, thì bệnh viện công sẽ vẫn còn loay hoay trong bài toán này. Các bác sĩ giỏi, trình độ cao bỏ bệnh viện công để lại khoảng trống lớn về chất lượng. Kéo theo đó là bệnh nhân không còn tin tưởng lựa chọn, nguồn thu cũng mất, thu nhập giảm, bác sĩ lại nghỉ việc. Đó là vòng lẩn quẩn”, bác sĩ Lê Quang Trung phân tích.

Còn theo PGS-TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, mặc dù trong năm 2020, TPHCM sụt giảm 20% lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế, Bệnh viện Hùng Vương vẫn được xem là một điểm sáng hiếm hoi khi bảo toàn lượt khám chữa bệnh so với năm 2019. Ngay cả khi bệnh viện chi hơn 1 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch, thì thu nhập của nhân viên vẫn tăng. Một trong những lợi thế sẵn có là một bệnh viện chuyên khoa, sự cạnh tranh thấp hơn so với bệnh viện đa khoa. Trong năm 2020, Bệnh viện Hùng Vương đã khánh thành tòa nhà Bách hợp 2 tầng hầm, 1 trệt, 11 lầu. Tòa nhà không chỉ phục vụ cho khám và điều trị mà còn là nơi đào tạo và nghiên cứu khoa học.

“Khi đã tự chủ rồi phải xác định rất rõ người bệnh là người mang lại nguồn thu cho bệnh viện. Do đó phải nâng cấp cơ sở vật chất, trình độ, giao tiếp, làm bệnh nhân hài lòng, để khi không may có bệnh, họ sẽ nhớ đến bệnh viện mình đầu tiên. Nếu các bệnh viện cứ chạy theo nguồn thu, quên đi trách nhiệm chăm sóc sức khỏe nhân dân thì sẽ chệch hướng, lạm dụng chỉ định, lạm thu bảo hiểm y tế và quên đi người bệnh yếu thế”, bác sĩ Diễm Tuyết khẳng định.

Theo PGS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, năm 2020, tổng thu nhập của nhân viên y tế giảm bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng, ước tính 48/84 đơn vị cần được bổ sung kinh phí nhằm đảm bảo chi thu nhập cho người lao động. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, thu nhập của nhân viên y tế dự báo sẽ còn tiếp tục bị ảnh hưởng.

Tin cùng chuyên mục