Ông Hoàng Văn Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam cho biết, từ hôm nay, người dân ở 35 tỉnh thành (từ Quảng Ngãi tới Cà Mau), không cần phải trực tiếp tới TPHCM để làm hồ sơ cấp đổi, cấp mới bằng thuyền trưởng phương tiện thủy nội địa.
Thay vào đó, người dân có thể ghé bưu điện trong các tỉnh, thành nộp hồ sơ, hoặc ngồi nhà yêu cầu nhân viên bưu điện đến nhận hồ sơ và cũng nhận kết quả (bằng thuyền trưởng) tại địa chỉ mình muốn.
Bước cải tiến này là kết quả của thỏa thuận hợp tác giữa Cục Đường thủy nội địa phía Nam và Bưu điện TPHCM, ký kết vào ngày 7-8 tại TPHCM, về việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đường thủy nội địa qua bưu điện.
Ông Hoàng Văn Hùng cho hay, trung bình mỗi năm, Chi cục đào tạo, cấp trên 10.000 giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền viên phương tiện thủy nội địa cho người dân 35 tỉnh, thành.
Đặc biệt, từ nay đến ngày 31-12-2019, theo quy định, khu vực phía Nam phải hoàn tất việc chuyển đổi trên 300.000 bằng thuyền trưởng sang giấy chứng nhận khả năng chuyên môn. Vì thế, khối lượng công việc rất lớn, nếu làm theo cách cũ thì rất vất vả cho người dân.
“Giờ đây người dân không cần phải đi xe đò nhiều lần về TPHCM, không phải ngủ lại qua đêm, tốn kém chi phí và mất thời gian để chờ lấy bằng thuyền trưởng” – ông Hoàng Văn Hùng chia sẻ.
Về chi phí và thời gian, ông Nguyễn Hữu Thịnh, Phó Giám đốc Bưu điện TPHCM cho hay, giá cước phát trả bằng thuyền trưởng tại quận nội thành TPHCM là 25.000 đồng, liên quận là 35.000 đồng, liên tỉnh là 45.000 đồng.
Bưu điện có hệ thống gần 15.000 điểm phục vụ bưu chính và hơn 10.600 điểm bưu điện văn hóa xã trong toàn quốc, sẽ tạo ra mạng lưới rút ngắn khoảng cách đi lại trong nộp hồ sơ hành chính của người dân.
Thời gian nhận hồ sơ để chuyển cho Cục Đường thủy nội địa phía Nam hoặc ngược lại, nhận kết quả hồ sơ từ Chi cục chuyển trả cho người dân, trong khoảng 1-2 ngày (TPHCM), từ 2-3 ngày ở tỉnh (khu vực trung tâm) và 3-5 ngày ở tỉnh (khu vực ngoài trung tâm).
Ông Nguyễn Hữu Thịnh cũng cho hay, với hệ thống định vị bưu gửi trên toàn quốc, người dân, các cơ quan, doanh nghiệp có thể theo dõi hành trình và kết quả chuyển phát hồ sơ của mình.
Đồng thời, Bưu điện cũng xây dựng công cụ kết nối online trực tuyến, bất cứ cơ quan hành chính nào cũng có thể kết nối dữ liệu trực tiếp đến hệ thống của bưu điện và người dân có thể tra cứu thông tin hồ sơ của mình từ hệ thống internet, điện thoại smartphone ở bất cứ đâu.
“Thời gian qua, bưu điện đã kết hợp với 24 quận, huyện và các sở, ngành chuyển trả các giấy tờ quan trọng như chứng minh nhân dân, hộ chiếu, lý lịch tư pháp, giấy phép lái xe, kết quả khám sức khỏe… cho người dân; trả hồ sơ bảo hiểm xã hội cho 60.000 doanh nghiệp ở TPHCM. Chưa một hồ sơ, giấy tờ nào của người dân bị mất hay thất lạc khi vận chuyển” – ông Nguyễn Hữu Thịnh khẳng định.