Từ loạt bài “Việc làm thời khó khăn”: Hướng đến việc làm bền vững

Từ loạt bài “Việc làm thời khó khăn”: Hướng đến việc làm bền vững

Trước tình hình tạo việc làm bền vững cho người lao động đang còn nhiều khó khăn, người lao động đang vắt kiệt sức mưu sinh, TPHCM có giải pháp gì để chia sẻ cùng người lao động?

Người lao động tìm việc tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM. Ảnh: HỒ VIỆT

Người lao động tìm việc tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM. Ảnh: HỒ VIỆT

  • Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Trần Thanh Hải: Nâng cao năng lực tự bảo vệ của người lao động

Để người lao động được bảo vệ quyền lợi tốt hơn cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước tiên là phải nâng cao năng lực tự bảo vệ của người lao động. Thông qua việc đổi mới toàn diện công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật lao động làm cho người lao động hiểu rõ, nắm vững và tự mình giám sát quyền lợi hợp pháp.

Trong những năm qua, ngày càng có nhiều người sử dụng lao động quan tâm đến tổ chức công đoàn. Các cấp công đoàn có trách nhiệm làm cho người sử dụng lao động hiểu biết đầy đủ, đúng mức về tổ chức công đoàn, tiếp tục phát huy hiệu quả của chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp” và các hoạt động biểu dương những người sử dụng lao động đã sát cánh cùng công đoàn chăm lo cho công nhân, góp phần làm cho quan hệ lao động ngày càng ấm áp hơn.

Trước tình hình nợ đọng BHXH nhiều, cùng với các giải pháp trước đây, LĐLĐ TP vừa ký kết liên tịch với BHXH TP để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. LĐLĐ TP và Sở LĐTB-XH đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Đối với những doanh nghiệp cố tình vi phạm, vi phạm nghiêm trọng pháp luật lao động, tổ chức công đoàn thành phố sẽ chủ động đề xuất thanh tra lao động tổ chức kiểm tra, xử lý kịp thời.

Người lao động cần ý thức đầy đủ hơn việc nâng cao trình độ học vấn, tay nghề để có được việc làm, thu nhập tốt hơn. Hiện nay, số đông người lao động, dù đã trải qua một thời gian làm việc nhất định nhưng chỉ với một công đoạn nên khi có sự thay đổi thì khó tái hòa nhập thị trường lao động. Chính người lao động cần phải thay đổi quan niệm về việc làm, phải tập dần với việc làm bền vững và mong muốn có việc làm bền vững bằng cách kiên trì, nỗ lực học, phải thấy đường dài làm việc của chính bản thân mình. Người lao động không chỉ làm việc bằng sức lực mà phải bằng kỹ năng. Kỹ năng này có được phải qua đào tạo cơ bản để rút ngắn thời gian tích lũy kinh nghiệm làm việc và làm cơ sở thích ứng cho những thay đổi về công việc, thậm chí thay đổi cả nơi làm việc nhằm có thu nhập tốt hơn. Có như thế, người lao động mới thoát ra vị trí phụ thuộc trong lao động.

Tuy nhiên, có vướng mắc là doanh nghiệp chưa có được chính sách khuyến khích chi phí đào tạo, đào tạo dạy nghề cho công nhân. Vì thế, Nhà nước cần mở rộng điều kiện cho doanh nghiệp hạch toán chi phí dạy nghề, chứ như hiện nay thì rất bó hẹp và không thích ứng yêu cầu phát triển, làm cho vấn đề đào tạo phải trở thành hoạt động thường xuyên trong doanh nghiệp.

  • Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Trần Kim Yến: Nỗ lực chăm lo cho công nhân khó khăn

Đứng trước tình hình khó khăn chung hiện nay, Ban Dân vận các cấp sẽ tiếp tục nắm chắc tư tưởng, đời sống của công nhân, người lao động và người có phòng cho thuê; đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng để các tầng lớp nhân dân hiểu đúng, tạo sự đồng thuận, tích cực tham gia thực hiện chủ trương của Thành ủy, UBND TP về an sinh xã hội. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp chính quyền địa phương khảo sát mức thu nhập, đời sống của người thuê phòng nhằm tạo cơ sở cho việc chăm lo đúng đối tượng, theo phương châm “khảo sát đến đâu, vận động đến đó”.

Chú trọng phát huy vai trò của các mô hình câu lạc bộ “Nữ chủ nhà trọ”, “Nhà trọ văn minh”, “Nhà trọ văn hóa”, tập trung vận động các chủ hộ có nhiều phòng cho thuê… nhằm vận động người có phòng cho thuê chung sức chia sẻ khó khăn, tạo thành phong trào sôi nổi tại địa phương. Ban Dân vận cũng đề nghị UBND quận, huyện thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho người có phòng trọ cho thuê, chủ cơ sở nuôi, dạy trẻ, doanh nghiệp.

Đồng thời phối hợp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức xây dựng mạng lưới bán lẻ, đưa hàng hóa trong chương trình bình ổn thị trường đến với công nhân, người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và nơi có nhiều phòng trọ cho thuê. Đoàn thanh niên quận, huyện tiếp tục phối hợp với Đoàn thanh niên Tổng Công ty Cấp nước, Tổng Công ty Điện lực trực tiếp hướng dẫn cho người có phòng trọ cho thuê đăng ký định mức điện, nước cho người thuê phòng. Hội LHPN cũng tiếp tục phát huy các câu lạc bộ nữ chủ nhà trọ trong công tác vận động, hỗ trợ cho người thuê phòng về giá thuê, kịp thời giúp đỡ khi người thuê phòng gặp khó khăn.

Tính đến nay, các quận, huyện đã tổ chức vận động được 55.073 người có nhà cho thuê ở trọ với 393.277 phòng hỗ trợ giá thuê phòng đến hết năm 2013, cho 1.099.971 người thuê trọ an tâm trong cuộc sống.

HỒNG HIỆP - ĐƯỜNG LOAN

Thông tin liên quan

- Tăng cường tư vấn nghề nghiệp

- Bài 3: Cần giải pháp căn cơ

- Bài 2: Nhiều nghịch lý

- Bài 1: Xoay xở vượt khó 

Tin cùng chuyên mục