"Lương thực địa phương cho người dân địa phương". Đó là phương châm của chiến dịch tình nguyện Sharaka (tiếng Ảrập nghĩa là “cộng tác”) nhằm mục đích đưa nông lương trồng tại địa phương trực tiếp đến với bàn ăn của những gia đình người Palestine. “Chúng tôi muốn tạo ra thực phẩm có “chủ quyền”, phát huy nguồn lực nội tại và tự hỗ trợ lẫn nhau. Từ đó, con người sẽ phát triển, cộng đồng tự nhiên vững mạnh” - người đồng sáng lập tổ chức Sharaka Aisha Mansour giải thích với hãng tin IPS.
Công việc của Sharaka là cuộc đấu tranh thật sự để thuyết phục cả nông dân và người tiêu dùng Palestine hưởng ứng chiến dịch. Tổ chức này tự hào đã phân phối được nông sản Palestine tại nhiều nơi trong lãnh thổ như Ramallah và nâng cao nhận thức về lương thực nội địa. Tất nhiên, tổ chức đã từ chối bất kỳ viện trợ quốc tế nào bởi “Người dân địa phương hiểu rõ hơn ai hết cộng đồng của mình. Sự phát triển sẽ thật sự diễn ra không cần đến tác nhân áp đặt từ bên ngoài”.
Palestine là một trong những nơi nhận viện trợ tính theo bình quân đầu người nhiều nhất thế giới. Ngay sau khi Hiệp định hòa bình Oslo giữa Israel và Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) được ký kết, hội nghị đầu tiên của các nhà viện trợ nhằm hỗ trợ tài chính cho Palestine đã diễn ra vào tháng 10-1993 tại Washington. Bắt đầu từ năm 1994, các gói cứu trợ quốc tế đầu tiên đã đến các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng và kéo dài đến nay. Không thể phủ nhận rằng Hiệp định Oslo sẽ không thành công nếu thiếu viện trợ quốc tế.
Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến nhiều hạn chế tăng trưởng cho kinh tế Palestine. Tiến sĩ Samir Abdullah, Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế Palestine (MAS), cho biết hiện tại, lãnh thổ này chỉ nhận được 80% thuế của người dân, và chỉ có thể khai thác 40% tài nguyên đất ở khu Bờ Tây. Kết quả là, chính quyền Palestine (PA) đã buộc phải dựa vào các nhà cứu trợ quốc tế để lấp các khoản ngân sách trống.
Các nhà cứu trợ quốc tế đã cam kết 1 tỷ USD trong năm 2011 và 2012 để giữ cho chính quyền không sụp đổ. Số tiền này vẫn chưa được chuyển giao đủ, khiến PA đã đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất từ khi ra đời. Những người lao động khu vực công thường xuyên không nhận được lương. Tổng thống Mahmoud Abbas nhiều lần phải phát đi lời kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp đến các quốc gia Ảrập.
Viện trợ quốc tế cũng dựa vào tình hình chính trị và quá trình đàm phán hòa bình với Israel. Sau khi nhà nước quan sát viên Palestine được ủng hộ tại LHQ vào cuối tháng 11-2012, Israel tuyên bố giữ lại khoản thuế các vùng bị chiếm đóng của Palestine trị giá 100 triệu USD mỗi tháng, và Mỹ cũng đóng băng 500 triệu USD viện trợ. Nora Lester Murad, nhà đồng sáng lập Dalia, một tổ chức ủng hộ sử dụng nguồn lực Palestine để phát triển, cho biết viện trợ quốc tế mang lại rất ít mặt tích cực cho xã hội Palestine. Trong năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp ở các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng vẫn cao, khoảng 23%. Ở khu Bờ Tây, đến 30% thanh niên thất nghiệp vào giữa năm 2012 và con số này ở dải Gaza là 52%.
Người Palestine phải tự mình tạo ra hệ thống phát triển bền vững hơn. Nhiều chuyên gia kinh tế Palestine cho rằng mô hình trong giai đoạn Intifada đầu tiên (của người Palestine chống lại Israel cuối thập niên 1980) tốt hơn so với hiện nay. Nhân dân gắn bó chặt chẽ, cùng nhau đấu tranh chống chiếm đóng mà không phân biệt phe phái chính trị. Mô hình đó chính là loại mà Sharaka hướng đến. Dù không có nhiều tiền, Palestine vẫn phải giữ cho xã hội đi lên, dù có bị chiếm đóng hay không, và phát triển.
Thanh Hải