Từ phim độc lập đến bom tấn triệu USD

Xuất phát điểm từ phim độc lập, chỉ trong thời gian ngắn, nhiều đạo diễn mới đã khẳng định vị trí khi được giao các dự án bom tấn. Trên hành trình ấy, họ đã trải qua nhiều bài học xương máu. 

Gian nan nhưng vinh quang

Trước khi là người phụ nữ gốc Á đầu tiên được vinh danh Đạo diễn xuất sắc tại Oscar, Chlóe Zhao khởi đầu sự nghiệp chật vật với các phim độc lập, nghệ thuật. Phim đầu tay - Songs my brothers taught me (2015) có lúc tưởng không thể thực hiện do liên tục gặp khó khăn về kinh phí. Nhưng khi ra mắt, phim được đánh giá cao bởi giới chuyên môn ở các giải thưởng, LHP quốc tế lớn giúp cô vững tin hơn, là tiền đề cho phim thứ 2 - The Rider.

Dấu ấn và cá tính của Zhao dần thành hình hài trước khi cô thực hiện bộ phim thứ 3 - Nomadland và mang về nhiều vinh quang, trong đó có 3 giải Oscar, gồm cả Phim hay nhất. Từ phim độc lập, Zhao được Marvel Studios mời làm đạo diễn bom tấn Eternal - một bước tiến mới trong sự nghiệp làm phim. 

Tại Hollywood, không khó để tìm thấy các nhà làm phim nổi tiếng hiện nay có xuất phát điểm từ phim độc lập, nghệ thuật. Có một đặc điểm chung, ở điểm khởi đầu, họ đều trải qua rất nhiều khó khăn khi kêu gọi kinh phí.

Năm 2012, Ava DuVernay làm Middle of Nowhere - bộ phim từng nhận giải hạng mục đạo diễn tại LHP Sundance với kinh phí chỉ vẻn vẹn 200.000USD. Ryan Coogler may mắn hơn khi phim đầu tay Fruitvale Station được đầu tư 900.000USD. Số tiền cho phim đầu tay What We Do in the Shadows của Taika Waititi có vẻ khấm khá hơn - 1,6 triệu USD.  

Để giải quyết khó khăn về tài chính, cách của Ava là tìm đến các hãng phim, trình bày ý tưởng của mình và xin những người có quyền lực giúp đỡ. Còn Zhao thừa nhận: “Không ai ném tiền cho tôi làm bộ phim của mình”. Quá trình làm phim, cô cùng các cộng sự đã phải làm việc với những hạn chế phải đối mặt gồm: cách quay phim, quản lý thời gian, điều hành sản xuất, chọn nhân sự… Để giải quyết bài toán tài chính, cô tìm diễn viên không chuyên, nhưng vẫn thường xuyên trong nỗi lo hết tiền. 

Cũng từ nền tảng ấy, họ nhanh chóng khẳng định tên tuổi bằng các giải thưởng lớn nhỏ và tất yếu, được các hãng phim lớn (big studio) để mắt. Tác phẩm thứ 2 của Ava DuVernay - Selma được đầu tư kinh phí 20 triệu USD và sau đó là A Wrinkle in Time với kinh phí hơn 100 triệu USD, được Walt Disney, 20th Century Studios, Paramount Pictures phát hành toàn cầu. 

Trong khi đó, Ryan Coogler có bước tiến nhanh chóng hơn khi được mời làm Creed (kinh phí 40 triệu USD - 2015) trước khi tạo tiếng vang cùng siêu phẩm Black Panther.

Từ phim độc lập đến bom tấn triệu USD ảnh 1 Nhiều nhà làm phim đương đại nổi bật đều có xuất phát từ dòng phim độc lập, nghệ thuật

Những bài học lớn

Luôn thể hiện đam mê, khao khát, ham học hỏi đồng thời cho thấy những quan điểm mới khi giải quyết vấn đề cũ là bài học lớn với Zhao. Bởi theo cô, chỉ có điều đó mới giúp khắc phục những hạn chế của việc thiếu kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức khi bước vào làm phim.

Khi quyết định bán nhà để tập trung cho làm phim, Ava DuVernay cho rằng: “Tôi không muốn nói nhiều về nó nhưng tôi đã phải thu hẹp không gian sống của mình. Nhưng tôi hoàn toàn hạnh phúc khi làm điều đó. Tôi tự đánh giá lại và nói với chính mình: Tôi làm một bộ phim nhỏ, vì vậy tôi cần sống như một người làm phim nhỏ”.

Thừa nhận làm phim là quá trình vô cùng khó khăn, tốn thời gian, Ryan nói: “Nếu bạn định làm phim, hãy chắc chắn đó là điều rất quan trọng với mình. Đó là một chủ đề bạn sẽ sống và chết vì nó. Tôi nghĩ đó là những gì sẽ giúp một nhà làm phim vượt qua quá trình này. Bởi là một nhà làm phim, bạn không chỉ phải truyền cảm hứng cho bản thân mà còn phải thúc đẩy toàn bộ nhóm người xung quanh bạn”.  

Có một bài học xương máu khác, theo Ryan: “Không gì bằng xem một bộ phim tuyệt vời và tự mình trở thành một nhà làm phim vì nó truyền cảm hứng. Nó khiến bạn muốn quay trở lại phim trường và bắt đầu làm việc”.

Sau thất bại của Green Lantern dù đã quyết tâm, cố gắng, dành rất nhiều thời gian trên phim trường, chính Taika nhận ra: “Tôi nghĩ có lẽ tôi đã học được nhiều điều hơn khi xem rất nhiều phim về siêu anh hùng khác và rất nhiều phim của hãng phim lớn. Tôi bắt đầu nhận ra: Ồ, tôi nghĩ tôi biết những gì đang xảy ra với những bộ phim này”.

Và dĩ nhiên, bài học quan trọng nhất chính là sức mạnh tập thể của những người cùng chí hướng. Zhao luôn hiểu, bộ phim không phải tác phẩm của đạo diễn. Với Nomadland, cô khẳng định tất cả các thành phần trong đoàn phim đều rất cần thiết trong việc góp phần khiến câu chuyện trở nên sống động.

Làm việc theo nhóm và tinh thần hợp tác chính là công thức thành công cho mọi bộ phim. Cộng tác với từng thành viên đoàn phim, trao quyền cho họ và lắng nghe, thu nhận ý tưởng, giải pháp sẽ tạo nên một tác phẩm hoàn hảo.

Nói như Ryan: “Làm phim là một môn thể thao đồng đội. Và nhóm của chúng tôi gồm những người tuyệt vời từ khắp nơi trên thế giới tin vào câu chuyện này”.

Tin cùng chuyên mục