
Khi hàng hóa xanh đi đúng đường
Tại thị trường TPHCM, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xanh, hàng hóa đạt chuẩn OCOP đã tìm thấy hướng đi ổn định nhờ kết nối với các hệ thống phân phối hiện đại. Công ty TNHH Liên kết Toàn Cầu là một ví dụ. Doanh nghiệp này đang cung ứng các dòng cà phê và nông sản đạt chuẩn OCOP, hiện đã có mặt tại nhiều kênh phân phối lớn, trong đó có Satramart và chuỗi cửa hàng Satrafoods. Chia sẻ gần đây, ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO công ty, cho biết doanh thu bán ra tại thị trường nội địa đang khá khả quan. Ông nhận định, sản phẩm xanh đi đúng đường sẽ tạo được niềm tin với người tiêu dùng (NTD). Khi đã vào được hệ thống bán lẻ hiện đại, sản phẩm không chỉ được tiếp cận đúng tệp khách hàng mà còn được đảm bảo về uy tín và vị thế trên thị trường.
Thực tế cho thấy, NTD hiện nay không chỉ quan tâm đến giá cả, mà ngày càng đặt yêu cầu cao hơn về tính minh bạch, an toàn và trách nhiệm môi trường trong sản phẩm. Đáp ứng nhu cầu đó, hệ thống bán lẻ SATRA đã chủ động mở rộng kết nối với các nhà cung ứng sản phẩm OCOP và Doanh nghiệp Xanh để tạo nên mạng lưới phân phối có trách nhiệm từ gốc. Theo tổng kết quý 1-2025 của SATRA, đã có 104 sản phẩm OCOP từ 25 nhà cung cấp trên toàn quốc được đưa vào hệ thống bán lẻ, trong đó riêng TPHCM đóng góp 32 sản phẩm. Cùng đó, 18 Doanh nghiệp Xanh cũng được hỗ trợ trưng bày, quảng bá tại các điểm bán, góp phần đưa tổng doanh thu nhóm hàng này lên hơn 44,7 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng đầu năm.
Không chỉ là sản phẩm sạch hay mẫu mã đẹp, điểm chung của các hàng hóa được chọn vào hệ thống là khả năng đáp ứng tiêu chí khắt khe về minh bạch và an toàn: có mã QR truy xuất nguồn gốc, đạt tiêu chuẩn môi trường, quy trình sản xuất rõ ràng, kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến phân phối. Theo đại diện SATRA, đó cũng chính là tiêu chí mà hệ thống này đang kiên định theo đuổi trong chiến lược phát triển chuỗi cung ứng bền vững: “Không chỉ cung cấp hàng hóa đến tay NTD, chúng tôi còn đóng vai trò chọn lọc và kết nối những nhà sản xuất có trách nhiệm, hướng đến hình thành thị trường nội địa minh bạch và phát triển dài hạn”.
Vai trò lớn của hệ thống bán lẻ
Việc hàng hóa được đưa lên kệ chỉ là một phần trong chuỗi phân phối hiện đại. Với những hệ thống như SATRA, vai trò lớn hơn nằm ở việc trở thành cầu nối giữa nhà sản xuất - vùng nguyên liệu và NTD đô thị. Đặc biệt với các sản phẩm đến từ các tỉnh lân cận, các địa phương xa TPHCM - nơi còn hạn chế về truyền thông và logistics, thì việc được đưa vào hệ thống bán lẻ tại TPHCM không chỉ là kênh tiêu thụ hiệu quả mà còn giúp nâng tầm sản phẩm địa phương, tạo cơ hội mở rộng thị trường nội địa. Theo ông Vũ Dương Quân, Trưởng ban Quản lý bán lẻ SATRA, đơn vị này luôn tạo điều kiện để doanh nghiệp xanh tiếp cận hệ thống bán lẻ. “Chúng tôi không chỉ hỗ trợ đưa sản phẩm lên quầy kệ mà còn bố trí khu vực trưng bày riêng, giúp NTD dễ dàng nhận diện thương hiệu xanh. Đồng thời, chúng tôi phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức dùng thử sản phẩm, khuyến mãi trực tiếp… Điều đáng mừng là những sản phẩm này đã ghi nhận mức tăng trưởng rõ rệt”, ông Vũ Dương Quân cho biết.
Có thể thấy, mô hình phân phối có trách nhiệm đang hình thành ngày càng rõ nét. Thay vì ưu tiên giá rẻ, hệ thống bán lẻ hiện nay chuyển sang tuyển chọn hàng hóa dựa trên tiêu chí tin cậy, minh bạch và tác động tích cực đến cộng đồng, môi trường. Đây là sự thay đổi phù hợp với nhận thức tiêu dùng hiện đại, nơi mỗi quyết định mua hàng cũng mang theo một thông điệp xã hội.
Không chỉ hiện diện tại quầy kệ siêu thị, hệ sinh thái tiêu dùng trách nhiệm còn mở rộng đến các tổ chức, doanh nghiệp trong nội đô. Trong quý 1-2025, SATRA đã kết nối cung ứng sản phẩm OCOP và hàng hóa xanh cho 9 đơn vị thuộc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn và 2 đơn vị thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Đây được xem là bước mở đầu cho một hướng đi chiến lược: phát triển kênh tiêu dùng nội bộ trong các cơ quan, bệnh viện, trường học, khách sạn... nhằm tạo ra thị trường ổn định, lâu dài cho hàng hóa có trách nhiệm. Khi những nơi tiêu dùng tập trung như khối doanh nghiệp nhà nước và công ích trở thành khách hàng kiểu mẫu, họ không chỉ tạo đầu ra cho sản phẩm xanh mà còn góp phần hình thành hệ sinh thái tiêu dùng bền vững ngay trong lòng đô thị.
Sự dịch chuyển này mở ra một hướng phát triển mới cho hàng hóa OCOP, thực phẩm an toàn, sản phẩm tái chế, thủ công truyền thống, những nhóm hàng thường gặp khó khăn trong cạnh tranh giá cả. Và ở trung tâm của chuỗi liên kết đó, hệ thống bán lẻ hiện đại không còn là điểm đến cuối cùng của hàng hóa, mà là nơi định hình giá trị, kết nối sản phẩm đúng với NTD phù hợp.
Theo ông Lâm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc SATRA, phát triển xanh là nguyên tắc xuyên suốt trong toàn hệ thống, từ khâu sản xuất đến phân phối. SATRA yêu cầu các đơn vị thành viên và nhà cung cấp phải đảm bảo tiêu chí môi trường, sử dụng nguyên liệu đầu vào thân thiện, hạn chế phát thải và ứng dụng công nghệ sạch. Tại hệ thống bán lẻ, sản phẩm đạt chuẩn xanh được bố trí quầy kệ riêng, ưu tiên truyền thông và chính sách khuyến mãi để tăng khả năng nhận diện. Tính đến nay, 6/12 đơn vị thành viên đã đạt danh hiệu Doanh nghiệp Xanh, và SATRA tiếp tục hỗ trợ các đơn vị còn lại, từng bước hình thành hệ sinh thái tiêu dùng bền vững tại TPHCM.