Tự tin năm 2020

Năm 2019 khép lại đầy tự hào với nhiều điểm sáng đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt là trên truyền thông quốc tế. Việt Nam trở thành tâm điểm của thế giới, Việt Nam xuất hiện trên trang nhất các tờ báo lớn, vào các chương trình truyền hình “hot” nhất.

Việt Nam được nhắc đến nhiều nhất trên các mạng xã hội phổ biến khi đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai, khi trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục 192/193. Việt Nam bước vào năm 2020 với những vinh quang mới và trách nhiệm lớn lao khi đảm nhiệm vai trò “kép”: Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ giai đoạn 2020 - 2021.

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2


Bối cảnh mới, nhiệm vụ mới

Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Trên bình diện quốc tế, sự gia tăng cọ xát, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tập hợp lực lượng diễn ra gay gắt, tác động mạnh mẽ đến các nước đang phát triển; chủ nghĩa bảo hộ nổi lên đặt ra nhiều thách thức đối với chủ nghĩa đa phương, tự do thương mại. Các điểm nóng ở Trung Đông, bán đảo Triều Tiên, Mỹ Latinh… chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Những vấn đề an ninh phi truyền thống như khủng bố, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, di cư quốc tế, an ninh mạng… tiếp tục là thách thức mang tính thời sự. Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á, duy trì vai trò là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu; tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cách hành xử đơn phương, chính trị cường quyền, coi thường luật pháp quốc tế có xu hướng trỗi dậy mạnh hơn... là nguy cơ đối với hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, “thế giới phẳng” với truyền thông Internet, mạng xã hội đã xóa mờ ranh giới giữa thông tin đối ngoại và thông tin đối nội, mở ra không gian gần như vô hạn đối với người dân. Mạng xã hội ảo đã trở thành kênh thông tin có ảnh hưởng và tác động thực, bên cạnh mặt tích cực về độ nhanh, sức lan tỏa là những mặt tiêu cực từ tin giả, tin xấu…, ảnh hưởng tới ổn định xã hội và môi trường an ninh của quốc gia, khu vực và thế giới. Áp lực thông tin tác động đến mọi mặt đời sống, đến xây dựng chính sách và cả hệ thống quản trị từ mỗi quốc gia cho đến toàn cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh thách thức nêu trên, chúng ta cũng có nhiều thuận lợi. Về khách quan: đó là hòa bình hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo, cạnh tranh giữa các nước lớn chưa đến mức đối đầu như thời kỳ Chiến tranh lạnh. Hầu hết các nước vẫn coi trọng luật pháp quốc tế và đề cao chủ nghĩa đa phương, vẫn coi đối thoại là phương thức giải quyết các tranh chấp và khác biệt, cùng nhau ứng phó với các thách thức phi truyền thống toàn cầu. HĐBA LHQ vẫn là cơ chế quốc tế cao nhất giải quyết các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế. ASEAN vẫn là tổ chức đa phương thành công nhất, ngày càng phát huy vai trò trung tâm ở khu vực và trên thế giới. Về chủ quan: đó là thành tựu của hơn ba thập niên tiến hành sự nghiệp đổi mới đã góp phần củng cố và nâng cao hơn nữa thế và lực của đất nước ta: Việt Nam trở thành một quốc gia tầm trung; đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ. Năm 2020 cũng là năm bản lề triển khai Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng định hướng công tác đối ngoại đa phương là “chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và LHQ”. Đây là nền tảng quan trọng để chúng ta bồi đắp năng lực mới hoàn thành các trọng trách quốc tế cũng như vai trò kép ủy viên không thường trực HĐBA LHQ và Chủ tịch ASEAN 2020.

Một Việt Nam tích cực

“Việt Nam là một thành viên tích cực trong ASEAN và LHQ” sẽ là thông điệp trọng tâm, xuyên suốt công tác thông tin đối ngoại trong năm 2020. Với khẩu hiệu “Đối tác vì một nền hòa bình bền vững”, là một quốc gia trải qua nhiều cuộc chiến tranh, trân quý giá trị hòa bình và phấn đấu vì hòa bình, trong nhiệm kỳ của mình tại HĐBA LHQ, Việt Nam ưu tiên thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp cho các xung đột; đề cao luật pháp quốc tế, hiến chương LHQ, chủ nghĩa đa phương; phát huy chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong tái thiết sau xung đột và hòa giải; thúc đẩy các vấn đề nhân đạo, bảo vệ thường dân trong chiến tranh và tăng cường vai trò phụ nữ trong giải quyết xung đột; nâng cao vai trò của HĐBA LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Năm ASEAN 2020 sẽ có chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” và 5 ưu tiên: Phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực; thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững; nâng cao năng lực thích ứng, hiệu quả hoạt động của ASEAN. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cũng sẽ đại diện cho cả Cộng đồng ASEAN tại HĐBA LHQ. Đảm nhiệm hai vị trí trung tâm của khu vực và thế giới cũng là cơ hội để Việt Nam quảng bá đất nước và con người đến cộng đồng quốc tế.

Còn nhớ tại APEC 2017, hình ảnh một Việt Nam tươi đẹp, mến khách, chân thành, năng động, đã được lan tỏa mạnh mẽ. Tờ báo Financial Times của Anh còn ví APEC 2017 là một “màn trình diễn” mang tính toàn cầu cho cả Việt Nam và Đà Nẵng. Với Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2, mặc dù gặp thách thức về vấn đề thời gian chuẩn bị, chúng ta đã hoàn thành xuất sắc vai trò của nước chủ nhà, người dân Hà Nội đã thể hiện với thế giới hình ảnh một thủ đô “văn minh, thanh lịch, thân thiện và hiếu khách” như báo giới quốc tế nhận định. Thực tiễn cho thấy, thành công đạt được với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân. Cộng động quốc tế cũng đã thấy rõ hơn hình ảnh về một nước Việt Nam đổi mới, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, là thành viên có trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế.

Chủ động thông tin

Trên tinh thần đó, trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, với khoảng 300 hoạt động tổ chức ở hơn 10 địa phương trong cả nước, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao ASEAN (HNCC) lần thứ 36, HNCC ASEAN lần thứ 37 và các cấp cao liên quan, chúng ta quyết tâm phát huy những thành tựu đã đạt được trong quảng bá hình ảnh đất nước, làm nổi bật vai trò, hình ảnh Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, cũng như giới thiệu các địa phương của Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Với vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ trong hai năm, chúng ta có cơ hội và trách nhiệm chia sẻ các giá trị văn hóa, các di sản về hòa bình, hòa giải, hòa hợp dân tộc trên cơ sở lịch sử và kinh nghiệm mà cha anh chúng ta phải đổi bằng xương máu, xuất phát từ khát vọng về một nền hòa bình bền vững cho nhân loại.

Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam đảm nhiệm những vai trò đa phương quan trọng này. Việc đảm nhiệm “vai trò kép” Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức khi khối lượng công việc lớn hơn và trách nhiệm nặng nề hơn nhưng cũng là cơ hội để chứng tỏ tầm vóc mới của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Thành công đó không thể thiếu sự tham gia, đóng góp của các hoạt động thông tin đối ngoại, vốn ngày càng chủ động hơn, chuyên nghiệp hơn, sáng tạo hơn trong xây dựng và triển khai.

Theo đó, công tác thông tin đối ngoại trong năm 2020 sẽ tập trung làm rõ chủ trương, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta cũng như làm nổi bật khả năng “dẫn dắt” của Việt Nam trong vai trò kết nối, điều hành các phiên họp của HĐBA LHQ, đại diện cho HĐBA LHQ trong quan hệ với các nước, các tổ chức trong và ngoài LHQ; đảm bảo nội dung và kết quả các Hội nghị ASEAN do Việt Nam chủ trì tổ chức trong năm 2020; phản ánh quan hệ hữu nghị, hợp tác của Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; góp phần tạo dư luận đồng thuận ở trong nước, sự ủng hộ ở nước ngoài đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển và củng cố tiềm lực mọi mặt của đất nước. Chắc chắn, những nỗ lực của Việt Nam trong đảm nhiệm vai trò kép một cách có trách nhiệm, trên tinh thần đối thoại và hợp tác, giữ vững nguyên tắc nhưng linh hoạt xử lý các tình huống sẽ được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Tin cùng chuyên mục