Tư vấn Kinh tế - Pháp luật

Tôi đang sinh sống ở TPHCM. Hiện tôi đang làm giám đốc một công ty cổ phần do mấy người bạn nhờ tôi đứng tên giùm. Sắp tới tôi muốn tham gia thành lập một công ty cổ phần cùng với những người bạn khác chuyên nhập khẩu gà thịt từ Hàn Quốc về TPHCM bán. Vậy tôi có thể đứng tên làm giám đốc hai công ty cổ phần được không?

° Hỏi: Tôi đang sinh sống ở TPHCM. Hiện tôi đang làm giám đốc một công ty cổ phần do mấy người bạn nhờ tôi đứng tên giùm. Sắp tới tôi muốn tham gia thành lập một công ty cổ phần cùng với những người bạn khác chuyên nhập khẩu gà thịt từ Hàn Quốc về TPHCM bán. Vậy tôi có thể đứng tên làm giám đốc hai công ty cổ phần được không?

° Trả lời: Điều ông băn khoăn hoàn toàn chính xác. Theo quy định tại Điều 116 Luật Doanh nghiệp năm 2005: “Giám đốc hoặc tổng giám đốc công ty không được đồng thời làm giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp khác”. Như vậy ông có thể tham gia thành lập công ty cổ phần có phần vốn của mình nhưng không được làm giám đốc công ty này. Trường hợp ông muốn làm giám đốc công ty cổ phần mà mình góp cổ phần thì phải thôi làm giám đốc công ty cổ phần do mấy người bạn của ông nhờ. Trước đó, ông nên thông báo cho họ để họ tìm người thay thế.

° Hỏi: Công ty của chúng tôi có 3 thành viên là Hương, Thịnh và Vượng. Được Sở Kế hoạch đầu tư thành phố Cần Thơ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 12-8-2011 với tên gọi Công ty TNHH Vạn Lộc, giám đốc là bà Phạm Ngọc Minh Hương, kinh doanh chế biến thủy hải sản. Ngày 25-3-2012, bà Hương có ký hợp đồng mua lại toàn bộ hệ thống máy móc chế biến tôm xuất khẩu của Công ty Đại Thành trị giá 2 tỷ đồng. Việc này tôi và anh Vượng không được biết. Tuy nhiên sau đó chúng tôi biết Công ty Đại Thành là công ty TNHH MTV do cha của bà Hương là ông Sỹ làm chủ sở hữu. Chúng tôi nghi ngờ giá trị hợp đồng bị cao hơn so với giá trị thực tế và cũng không muốn mua hệ thống máy móc này từ công ty cha của bà Hương. Vậy chúng tôi phải làm sao?

° Trả lời: Như ông đã trình bày, có thể thấy hai ông không muốn công ty của mình ký hợp đồng mua hệ thống máy móc chế biến tôm của công ty do cha của bà Hương làm chủ sở hữu vì có nghi ngờ về giá. Vậy nếu việc trang bị hệ thống máy móc này là cần thiết cho hoạt động kinh doanh của công ty và các ông chỉ nghi ngờ về giá thì các ông hoàn toàn có thể tham khảo giá trên thị trường xem cao thấp thế nào và về bàn bạc lại với bà Hương để cùng nhau ra quyết định. Trường hợp bà Hương không đồng ý bàn bạc, hoặc và các ông không muốn mua hệ thống máy móc này từ công ty cha của bà Hương thì các ông hoàn toàn có thể đưa quy định tại Điều 59 Luật Doanh nghiệp năm 2005 ra làm cơ sở để đàm phán với bà Hương. Quy định này như sau: Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan của giám đốc hoặc tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty phải được hội đồng thành viên chấp thuận. Người có liên quan là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với doanh nghiệp trong các trường hợp là cha, cha nuôi của người quản lý doanh nghiệp hoặc của thành viên công ty (Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2005). Sau cùng nếu bà Hương và các ông không đồng ý được với nhau thì có thể yêu cầu tòa án có thẩm quyền xử lý hợp đồng trên vô hiệu theo Khoản 1 và 2 Điều 59 Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Th.S. Đào Thị Thu Hằng, Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế Luật

Bạn đọc có thắc mắc về các vấn đề kinh tế - pháp luật, vui lòng gởi câu hỏi cho chúng tôi qua địa chỉ: Mục Tư vấn Kinh tế - Pháp luật, Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, Phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: (08)39294072 – 0903.975323.

Tin cùng chuyên mục