Từ vụ Khaisilk: Người tiêu dùng làm gì khi bị lừa về xuất xứ hàng hóa?

Vụ Khaisilk rộ lên vài ngày gần đây, mà đỉnh điểm là trưa nay 26-10 Bộ Công Thương chỉ đạo gấp việc điều tra, làm rõ liệu có hay không Tập đoàn Khải Silk lừa đảo người tiêu dùng, đã thực sự khiến dư luận “sôi sục”. Câu hỏi đặt ra ở đây là một thương hiệu được giới sành điệu, trong đó có nhiều doanh nhân thành đạt, chọn mua làm quà tặng bạn bè, người thân từ hàng chục năm qua còn bán sản phẩm mập mờ xuất xứ, thì quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm đáng kể ra sao, không rõ các thương hiệu khác chưa được khui ra ánh sáng sẽ như thế nào?
Từ vụ Khaisilk: Người tiêu dùng làm gì khi bị lừa về xuất xứ hàng hóa?

Người tiêu dùng làm gì khi mua phải hàng hiệu mập mờ về xuất xứ?

Theo luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký VIAC, là luật sư khi đề cập hàng hóa có xuất xứ Việt Nam và hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc, ông cho rằng phải căn cứ vào quy định pháp luật để xác định xuất xứ. 

Cụ thể, theo pháp luật Việt Nam hiện nay, xuất xứ hàng hóa được quy định tại Nghị định số 19/2006/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Thương mại về xuất xứ hàng hóa. Theo quy định tại Thông tư số 08/2006/TT-BTM của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) thì nguyên tắc chung để xác định xuất xứ hàng hóa là: "Hàng hóa sẽ có xuất xứ của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện quy trình sản xuất cuối cùng làm thay đổi cơ bản hàng hóa này". Do vậy, nếu hàng hóa là thành phẩm được nhập khẩu từ quốc gia khác thì nghĩa là công đoạn cuối cùng sản xuất ra thành phẩm này không ở Việt Nam thì không thể đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa Việt Nam.

Trả lời câu hỏi trong trường hợp người tiêu dùng bị vi phạm quyền lợi của mình thì phải làm sao?, luật sư Châu Việt Bắc cho biết người tiêu dùng có thể thực hiện theo khoản 6, 7 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, bao gồm: Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết. 

Bên cạnh đó, người tiêu dùng chủ động khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. 

Đối với bối cảnh vàng thau lẫn lộn như hiện nay, trước khi mua hàng người tiêu dùng nên lựa các sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc, nhà sản xuất, lựa chọn các nhà phân phối có uy tín…

Từ vụ Khaisilk: Người tiêu dùng làm gì khi bị lừa về xuất xứ hàng hóa? ảnh 1 Trên một chiếc khăn Khaisilk vừa có nhãn "Khaisilk - Made in Viet Nam" vừa có nhãn "made in China"
Trao đổi với Báo SGGP vào chiều tối 26-10, đại diện Chi cục QLTT TP cho biết mới nắm được thông tin và đang tiến hành xác minh vụ việc. Trước đó, tại một cuộc trả lời PV Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục Phó Chi cục QLTT TP thông tin QLTT đã và đang tăng cường phối hợp với các lực lượng liên ngành chức năng trong việc kiểm tra, rà soát hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa gian lận thương mại nhằm làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, giúp người dân yên tâm mua sắm, đặc biệt vào dịp cuối năm.
Đại diện pháp luật thương hiệu lớn vẫn... nhận không ra hàng giả 

Ngay trong buổi khảo sát cũng diễn ra trong hôm nay 26-10 tại chợ Bến Thành về việc triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung cũng đã nhắc tới vụ Khaisilk như một mối lo ngại tiềm ẩn ở chợ Bến Thành nói riêng, các chợ truyền thống, trung tâm thương mại khác trên địa bàn TP nói chung.

Do đó, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM đã yêu cầu bà con tiểu thương phải nên sòng phẳng, rõ ràng với khách hàng, bán hàng xuất xứ ở đâu thì nên nói thật với khách hàng như thế. Qua đó nhằm giữ uy tín chợ, đồng thời cũng giúp cho việc buôn bán thuận lợi hơn.

Từ vụ Khaisilk: Người tiêu dùng làm gì khi bị lừa về xuất xứ hàng hóa? ảnh 2 Khách hàng tìm mua khăn quàng cổ tại một sạp ở chợ Bến Thành ngày 26-10
Điểm sơ qua một số vụ việc gian lận thương mại, trong đó có kinh doanh hàng giả, hàng lậu từ đầu năm đến nay, chắc hẳn bạn đọc còn nhớ vụ cách nay ít tháng, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn phát hiện, bắt giữ container chứa hàng giả.

Đó là các mặt hàng mang thương hiệu của những tên tuổi lớn như LV, Chanel, Gucci… Trị giá lô hàng khoảng 30 tỷ đồng.

Trong năm, Quản lý thị trường (QLTT) TP cũng cho tiêu hủy lô quần Jean nhái Levi’s trị giá hơn 33 tỷ đồng. Đáng kinh ngạc ở chỗ, chính đại diện pháp luật của một số thương hiệu lớn tại Việt Nam khi ghi nhận, xem xét các sản phẩm giả mạo được tuồn vào thị trường nước ta để khởi kiện đã xác nhận “Rất giống hàng thật”. Chính họ cũng bị nhầm lẫn.
Từ vụ Khaisilk: Người tiêu dùng làm gì khi bị lừa về xuất xứ hàng hóa? ảnh 3 QLTT TP kiểm tra một container hàng nhập lậu, có dấu hiệu giả mạo
Từ đầu năm 2017 đến nay, QLTT TP đã tiến hành kiểm tra, phát hiện hàng trăm vụ hàng hóa giả mạo tại các trung tâm thương mại, chợ truyền thống, các cửa hàng trên đường phố. Lực lượng chức năng tiến hành tạm giữ gần 4 tấn nắp chai bia, giấy bạc màng co, kem dưỡng da; trên 350.000 cái nhãn, bao bì, vỏ chai bia các hiệu; 28.401 đơn vị sản phẩm quần áo, mắt kính, giày dép, túi xách thương hiệu Chanel, Nike, CK, Adidas, LV, Tommy, Lacoste…
Còn theo một cán bộ QLTT TPHCM thì, chỉ những người tiêu dùng thực sự “sang chảnh”, rành về hàng hiệu, thường xuyên dùng hàng hiệu mua trực tiếp ở nước ngoài mới ít bị mua nhầm, còn nếu không thì hầu như người mua nào cũng bị nhầm lẫn.

Tiết lộ với PV Báo SGGP, chị T.T., chủ một thương hiệu thời trang tại quận 5, TPHCM nói thẳng, các mặt hàng khăn voan lụa tơ tằm choàng cổ từ bình dân đến cao cấp được bán rất nhiều tại Quảng Châu (Trung Quốc). Không ít doanh nghiệp nước ta, trong đó có các tiểu thương tại TPHCM thường xuyên qua bên đó gom hàng về. Tùy thuộc vào cấp độ, phẩm chất (loại 1, 2 hoặc 3) sản phẩm mà giá bán sản phẩm sẽ rất khác nhau, chất lượng cũng khác biệt hoàn toàn. Chẳng hạn, cũng mặt hàng này nhưng cung cấp cho thị trường Mỹ, chất lượng sẽ khác biệt hoàn toàn so với một số thị trường khác.

“Do tính chất công việc nên mình thường xuyên qua Mỹ cũng như một số quốc gia châu Âu. Trên sản phẩm của họ ghi rất rõ ràng "Made in China", chứ không mập mờ ghi xuất xứ nước sở tại”, chị T.T. nói.

Ngoài ra, chị T.T. còn thông tin thêm, cùng là chiếc quần thun ôm sát dành cho nữ nhưng là hàng Quảng Châu loại 1 xuất sang Mỹ, người tiêu dùng có thể giặt, hấp bằng máy giặt và hoàn toàn không ra màu; ngược lại, cũng mặt hàng y chang nhưng là hàng loại 2 hoặc 3 thì sản phẩm nhanh phai, xuống màu, sợi vải co rút khi giặt bằng máy.

Tương tự, một tiểu thương chuyên doanh hàng thời trang tại chợ Bến Thành cũng cho biết, các loại khăn voan lụa tơ tằm choàng cổ đa phần xuất xứ Trung Quốc, còn hàng trong nước rất hiếm.

Làm ăn gian lận là phạm pháp, không phải "xin lỗi" là được

Đó là thông tin từ một số bạn đọc phản ánh trực tiếp với Báo SGGP về vụ Khaisilk.

Trường hợp chị N.L.H. (ở đường Hai Bà Trưng, quận 1) là một ví dụ. Trước đó chị có mua sản phẩm tại cửa hàng Khaisilk ở Hà Nội trong một dịp đi công tác thăm thủ đô cách nay vài tháng. Vấn đề nằm ở chỗ, chị L.H. còn mua thêm để tặng người thân, bạn bè. 

“Tôi gửi tặng khăn cho một số bạn bè đang sinh sống và làm việc tại Anh, Pháp. Khi nghe thông tin Khaisilk mập mờ xuất xứ sản phẩm, khiến tôi rất xấu hổ. Bạn bè không biết lại tưởng mình ham hàng rẻ tiền nên mua tặng họ. Thực sự, mỗi chiếc khăn choàng tôi mua cũng hơn 1 triệu đồng. Nhẩm tính hơn chục chiếc khăn cũng tốn mất hàng chục triệu của tôi chứ không ít”, chị L.H. bức xúc. 

Một số bạn đọc phản ánh, họ không ấm ức nhiều vì đã bỏ số tiền lớn để mua hàng, nhưng việc mất niềm tin mới là điều đáng nói. Một số cho rằng, hàng cao cấp nhưng mập mờ nhãn mác khác hoàn toàn với hàng lỗi, hàng hỏng; nếu mua phải hàng lỗi thì mới suy xét lời "xin lỗi", còn mua phải hàng mập mờ xuất xứ nghĩa là quyền lợi của họ đang bị xâm phạm.

Tin cùng chuyên mục