Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ: Thống nhất giải quyết căng thẳng biển Đông

Rạng sáng 17-2 (theo giờ Việt Nam), Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ tại Sunnylands, tiểu bang California, Hoa Kỳ đã ra Tuyên bố chung với mục tiêu trọng tâm là thúc đẩy kết nối thương mại và đưa ra lập trường chung về vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.
Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ: Thống nhất giải quyết căng thẳng biển Đông

Rạng sáng 17-2 (theo giờ Việt Nam), Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ tại Sunnylands, tiểu bang California, Hoa Kỳ đã ra Tuyên bố chung với mục tiêu trọng tâm là thúc đẩy kết nối thương mại và đưa ra lập trường chung về vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.

Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ: Thống nhất giải quyết căng thẳng biển Đông ảnh 1

Các trưởng đoàn chụp ảnh chung



Chú trọng tăng trưởng bền vững

Tuyên bố chung gồm 17 nội dung, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của thịnh vượng chung, phát triển và tăng trưởng bền vững; ghi nhận tầm quan trọng của việc áp dụng các chính sách hướng tới xây dựng các nền kinh tế năng động, cởi mở, cạnh tranh và liên kết chặt chẽ nhằm giúp tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy kết nối, đổi mới và tinh thần kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và thu hẹp khoảng cách phát triển; Cam kết đảm bảo cơ hội cho tất cả người dân chúng ta, thông qua tăng cường dân chủ, quản trị tốt và tuân thủ các quy định của pháp luật, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và quyền tự do cơ bản, khuyến khích tinh thần khoan dung, ôn hòa, và bảo vệ môi trường; Quyết tâm cao nhằm đóng một vai trò nổi bật trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như khủng bố và chủ nghĩa bạo lực cực đoan, buôn bán ma túy, buôn bán người, đánh bắt cá bất hợp pháp, cũng như buôn bán trái phép động vật hoang dã và khai thác gỗ bất hợp pháp; Cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và xây dựng một ASEAN bền vững về môi trường và khí hậu, cũng như thực hiện phần đóng góp do mỗi quốc gia tự xác định theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu…
Giới phân tích nhận định phía Hoa Kỳ đặc biệt coi trọng hội nghị này, coi đây là một dấu ấn về đối ngoại trong cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, đồng thời chứng tỏ cam kết triển khai chính sách xoay trục về châu Á của Washington không chỉ bằng lời nói mà còn bằng các hành động cụ thể.

Tái khẳng định giải pháp hòa bình

Biển Đông là một trong những chủ đề thảo luận của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ. Kết thúc hai ngày làm việc, các nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung khẳng định lập trường về vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc, đồng thời tái khẳng định những nguyên tắc quan trọng sẽ định hướng sự hợp tác của ASEAN - Hoa Kỳ trong thời gian tới. Các nguyên tắc liên quan vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo bao gồm: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và chính trị độc lập của tất cả các quốc gia thông qua việc duy trì các nguyên tắc và mục đích của Hiến chương Liên hiệp quốc (LHQ), Hiến chương ASEAN và luật pháp quốc tế; Cùng cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bao gồm việc tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); Cùng cam kết duy trì hòa bình, an ninh và sự ổn định trong khu vực, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, bao gồm cả quyền tự do hàng hải, hàng không và các mục đích sử dụng biển hợp pháp khác, và thương mại hàng hải hợp pháp không bị cản trở như đã được nêu trong Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); cũng như phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong các hoạt động; Cùng cam kết thúc đẩy hợp tác để giải quyết các thách thức chung trong lĩnh vực biển.

Hãng tin Bernama của Malaysia ngày 17-2 đưa tin, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho biết các nhà lãnh đạo ASEAN đã tái khẳng định lập trường về mong muốn một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp chủ quyền ở biển Đông và vấn đề này phải được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Cùng ngày, tờ The Star của Malaysia cũng nhấn mạnh, ASEAN muốn các bên kiềm chế để tránh bất kỳ hành động nào có nguy cơ làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ngày 16-2 đã công bố gói biện pháp mới mang tên “Kết nối Hoa Kỳ - ASEAN” nhằm mục đích thúc đẩy các nền kinh tế tại Đông Nam Á. Đây được coi là hành động “đặt niềm tin” vào khả năng khu vực đang có tốc độ tăng trưởng nhanh của thế giới này có thể trở thành một đối tác thương mại quan trọng hơn đối với Hoa Kỳ.

Gói biện pháp nói trên sẽ bao gồm việc thiết lập 3 văn phòng tại Jakarta, Indonesia; Bangkok, Thái Lan và Singapore nhằm tăng cường “sự can dự về kinh tế của Chính phủ Hoa Kỳ với các thực thể thuộc ASEAN”. Hoa Kỳ sẽ cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật để giúp các quốc gia như Indonesia và Philippines có thể sẵn sàng tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong tương lai. Gói biện pháp mới cũng tập trung vào việc cải thiện các mối quan hệ thương mại trong lĩnh vực viễn thông và cơ sở hạ tầng giữa các bên tham gia, tổ chức hợp lý hóa các chương trình chính phủ hiện nay.


VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục