Từ năm 2012, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) có nhiều động thái quyết liệt với việc tuyển vượt chỉ tiêu ở các trường đại học (ĐH) nhằm thực hiện cam kết “chấm dứt tăng trưởng nóng về số lượng”. Tuy nhiên, thực tế tổng chỉ tiêu từ năm 2012 đến nay vẫn tăng trên 10%. Song song đó, nhiều trường sau khi đổi chủ đã được cho tăng chỉ tiêu, mở hàng loạt ngành mới, khiến dư luận không khỏi nghi vấn về vấn đề đảm bảo chất lượng. Liệu năm 2016 có xảy ra tình trạng quy mô tuyển sinh sẽ tiếp tục tăng và hàng loạt ngành mới mở ra vội vã?
Chỉ tiêu tăng liên tục
Nếu như năm 2001, tổng chỉ tiêu - bao gồm hệ ĐH và cao đẳng (CĐ) - cả nước chỉ có 165.570 thì đến năm 2015, tổng chỉ tiêu đã lên đến 647.000. Nếu tính từ năm 2012 đến nay, tổng chỉ tiêu cũng tăng một cách chóng mặt. Năm 2012 tăng 13.000 chỉ tiêu, năm 2013 tăng thêm 47.000, năm 2014 tăng 37.000 chỉ tiêu. Đến năm 2015 cũng tăng thêm 7.000 chỉ tiêu. Như vậy, tổng chỉ tiêu từ năm 2012 đến nay tăng hơn 110.000 chỉ tiêu.
Hàng chục ngàn thí sinh nộp hồ sơ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 tại TPHCM
Trên thực tế, hai tiêu chí trọng yếu của Thông tư 57 để xác định chỉ tiêu là đội ngũ giảng viên (25 sinh viên/giảng viên) và diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo tối thiểu (2m2/sinh viên) lại tăng rất nhỏ giọt. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đội ngũ giảng viên là bài toán nan giải nhất hiện nay cho các trường.
Nếu xét riêng ở các trường thì tình trạng “gian lận” trong xác định chỉ tiêu, kê khống và tuyển vượt cũng đáng báo động. Xét năm 2014, tổng chỉ tiêu cả nước tăng 37.000 và có rất nhiều trường phạm luật. Qua kiểm tra 18 trường ĐH, CĐ về việc tự xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014, Bộ GD-ĐT phát hiện sai phạm và đã có văn bản tước quyền tự xác định chỉ tiêu năm 2015 đối với 4 trường. Trong đó, có 8/18 trường vượt định mức quy định khi bình quân 28,8 sinh viên/giảng viên; 11/18 trường báo cáo sai về đội ngũ giảng viên, thậm chí có trường đăng ký cả số giảng viên dự báo sẽ được tuyển dụng như: CĐ Thương mại, ĐH Thể dục Thể thao Đà Nẵng, ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM và một số trường thuộc khu vực phía Bắc.
Thí sinh tự do nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT phía Nam. Ảnh: MAI HẢI
Trong năm 2015, rất nhiều trường được cấp phép liên tục mở ngành mới và tăng chỉ tiêu. Cụ thể như Trường ĐH Kinh tế tài chính TPHCM, trong năm 2015 có hàng loạt ngành mới được mở, thậm chí còn cho phép đào tạo cả cao học. Chưa dừng lại đó, trong năm 2016, cơ sở này sẽ tiếp tục mở thêm 4 ngành nữa. Được biết, trước đó cơ sở này chỉ có vài ngành và chỉ tiêu tuyển sinh chưa tới 500, nhưng năm 2015 cơ sở này tuyển sinh vượt xa rất nhiều lần so với năm 2014. Bên cạnh đó, hàng loạt trường khác được cho mở các ngành: Dược, Luật kinh tế, Điều dưỡng và cả ngành Y đa khoa.
Đó mới chỉ là chỉ tiêu chính quy. Còn nếu tính luôn cả hệ đào tạo không chính quy (tại chức, từ xa, liên kết đào tạo) thì năng lực đào tạo của các trường rất yếu kém để đảm bảo được chất lượng đào tạo.
Không thể kiểm soát chất lượng
Thực tế cho thấy, các quy định về mở ngành (Thông tư 08) và xác định chỉ tiêu tuyển sinh (Thông tư 07) đều có quy định rõ ràng, chi tiết. Tuy nhiên, điều khó hiểu là tại sao các trường lại cố ý làm sai hay Bộ GD-ĐT quá dễ dãi trong việc cấp phép mở ngành.
Trao đổi về việc kiểm soát để đảm bảo chất lượng đào tạo, một chuyên gia đào tạo tại TPHCM cho rằng: Với cách làm hiện nay, không dễ để Bộ GD- ĐT kiểm soát được chất lượng. Trừ khi bộ phải làm thật chặt và theo đúng các quy định hiện hành trong cấp phép mở ngành, giao chỉ tiêu thì mới có thể kiểm soát việc chạy theo số lượng ở nhiều trường. Trường nào, ngành nào không đảm bảo theo các tiêu chí thì dừng tuyển sinh.
Mới đây, dư luận phân vân về việc Bộ GD-ĐT “nói một đằng, làm một nẻo” khi cấp phép cho Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo ngành Y đa khoa. Chưa bàn đến chuyện đội ngũ giảng viên, thì cách cấp phép và giao chỉ tiêu của bộ cũng đáng lo ngại. Bộ GD-ĐT khi cấp phép mở ngành mới thường kèm theo “chỉ tiêu tuyển sinh của ngành nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh”. Với ngành Y đa khoa mà giao chỉ tiêu như vậy sẽ không ổn, lẽ ra cứ căn cứ theo Thông tư 07, năng lực của trường tới đâu thì chỉ tiêu chừng đó. Còn với cách giao chỉ tiêu hiện nay, các trường sẽ dồn hết chỉ tiêu sang những ngành đang “hot” và dẫn tới hệ lụy khủng hoảng thừa như ngành kinh tế.
Mới đây, năm 2014 có đến 296 ngành CĐ ở 74 cơ sở giáo dục không đủ điều kiện đào tạo (không đủ giảng viên trình độ thạc sĩ lẫn ĐH) vẫn được bộ làm ngơ và cho tiếp tục tuyển sinh. Do đó, việc Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ giám sát quá trình đào tạo để đảm bảo chất lượng là điều khó được dư luận tin tưởng.
Như vậy, với tình hình hiện nay, liệu năm 2016 tổng chỉ tiêu sẽ tiếp tục “leo thang” và Bộ GD-ĐT sẽ cấp phép cho nhiều trường mở ngành mới, thả nổi việc kiểm soát chất lượng đào tạo? Thực tế cho thấy, một khi chạy đua theo số lượng, chắc chắn chuyện xem nhẹ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên trong đào tạo là điều quá rõ. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần phải xem lại, có nên tiếp tục chạy theo số lượng để tăng quy mô chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm, hay phải giảm tăng trưởng chỉ tiêu để đặt mục tiêu nâng chất lượng đào tạo, điều chỉnh lại cơ cấu chỉ tiêu cho phù hợp với chiến lược phát triển ngành nghề của đất nước.
THANH HÙNG