
Hôm qua 2-2, hội nghị thi và tuyển sinh toàn quốc năm 2005 (thi phổ thông, tuyển sinh THCN và tuyển sinh ĐH, CĐ) qua mạng và cầu truyền hình đã diễn ra tại 4 điểm: Hà Nội, TPHCM, Huế, Cần Thơ, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các trường ĐH, CĐ trên cả nước.
Hầu hết thời gian của hội nghị đã dành để bàn thảo về tuyển sinh ĐH, CĐ. Các vấn đề về tuyển sinh gây tranh cãi nhiều nhất trong thời gian qua: các trường CĐ không thi tuyển sinh; thí sinh có nguyện vọng (NV) 1 học tại trường ĐH, CĐ không tổ chức thi vẫn phải nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) và dự thi tại trường ĐH tổ chức thi có cùng khối; Điểm sàn… đã được các đại biểu thẳng thắn góp ý với Bộ GD-ĐT
- Các trường CĐ tổ chức thi sẽ chủ động hơn trong tuyển sinh

Thí sinh tự do nộp hồ sơ dự thi đại học tại NVH Thanh niên năm 2004. Ảnh: MAI HẢI
Vấn đề được các đại biểu đóng góp ý kiến nhiều nhất là chủ trương: các trường CĐ trung ương và địa phương không tổ chức thi tuyển mà xét tuyển dựa vào kết quả thi ĐH mà Bộ dự kiến thực hiện.
Ông Nguyễn Việt Bắc - Hiệu phó Trường CĐ Sư phạm TPHCM kiên quyết: “Trường chúng tôi đã thực hiện chủ trương tổ chức thi hai năm và xét tuyển một năm. Kết quả đầu vào của xét tuyển cũng không cao hơn việc tổ chức thi mà trường lại bị động trong việc chờ xét tuyển. Hơn nữa, nếu trường chủ động tuyển sinh thì việc chọn ngành của thí sinh cũng chính xác và thuận lợi hơn…”.
Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Quảng Ngãi và nhiều đại biểu cũng cho rằng nên để các trường CĐ địa phương tự tổ chức thi vì những trường này chỉ tuyển và đào tạo những thí sinh có hộ khẩu ở địa phương. Bởi vậy, quy định thí sinh muốn học tại địa phương phải gửi thi nơi khác và căn cứ kết quả đó để xét tuyển là không hợp lý. Quy định này vô hình trung sẽ dẫn đến sự lãng phí và không thực hiện được chủ trương phân luồng học sinh…
- Điểm sàn công bố sau sẽ tránh được nhiều rủi ro
Với việc công bố điểm sàn trước kỳ thi, nhiều ý kiến cho rằng điều này sẽ tạo điều kiện để thí sinh chủ động tự phân luồng còn các trường chủ động trong khâu xét tuyển. Tuy nhiên, việc công bố điểm sàn trước kỳ thi đã gặp sự phản đối của nhiều đại biểu, nhất là các đại biểu ở khu vực phía Nam.
Nhiều người quả quyết: điểm sàn chỉ nên đưa ra sau khi đã có kết quả thi, có thống kê phổ điểm cụ thể, nếu không sẽ rất ảnh hưởng đến việc xét tuyển của các trường, đặc biệt là các trường dân lập. Đa số các đại biểu của các trường ĐH, CĐ Cần Thơ, Quảng Ngãi… đều ủng hộ việc công bố điểm sàn nhưng đề nghị có cơ chế linh hoạt hơn về mức điểm sàn thay đổi theo khu vực và tình hình cụ thể.
Về việc “thí sinh có NV1 học tại trường ĐH, CĐ không tổ chức thi vẫn phải nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) và dự thi tại trường ĐH tổ chức thi có cùng khối thi, trường ĐH tổ chức thi không xét tuyển thí sinh diện này trong đợt 1 mà gửi dữ liệu kết quả thi cho trường không tổ chức thi để trường không tổ chức thi lên thống kê”...
Hầu hết đại biểu đều cho rằng điểm điều chỉnh này quá phức tạp cho các trường và nên thực hiện như năm 2004 là để thí sinh chủ động lựa chọn trường dự thi và NV xét tuyển. Điểm điều chỉnh: “từ năm 2005 cán bộ quản lý, chuyên viên thuộc cơ quan Bộ, Sở, Phòng GD-ĐT không trực tiếp tham gia soạn thảo đề thi cho các kỳ thi” cũng gặp sự phản đối của nhiều đơn vị chức năng.
- Cần tập trung lực để tiến tới “đại cải cách thi cử”
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm cho rằng: Học sinh là đối tượng cần phải được ưu tiên xem xét nhất quán trong tất cả các khâu, từ hồ sơ, đánh giá tới xét tuyển. Và thi cử là vấn đề nhạy cảm, mọi thay đổi đều tác động đến xã hội nên các chính sách về tuyển sinh cần giữ ổn định và chỉ thay đổi những gì có lợi cho nhân dân, những thay đổi phải công bố trước một năm rưỡi…”.
Khi đặt ra phương án thi trắc nghiệm trong kỳ tuyển sinh 2005, cần lưu ý tới đối tượng và công tác chuẩn bị. Nếu tiến hành ngay trong năm nay, sẽ có ít nhất 20% học sinh ở vùng sâu, vùng xa xa lạ với hình thức này. Thủ tướng cũng lưu ý Bộ GD-ĐT cần tập trung sức lực để hướng tới “đại cải cách thi cử” vào năm 2007 - 2008.
Sau một ngày bàn thảo với hơn 40 ý kiến đóng góp tại cầu truyền hình và hơn 40 ý kiến đóng góp qua mạng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển đã kết luận: Phương án thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ 2005 sẽ tuân thủ như năm 2004. Theo đó, 3 dự kiến điều chỉnh tuyển sinh được đưa ra thảo luận sẽ không áp dụng.
Như vậy, đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn được ra theo phương thức tự luận. Bộ GD-ĐT sẽ công bố điểm sàn sau khi có kết quả chấm thi từ các trường. Các trường CĐ, THCN tùy điều kiện của mình, có thể tự tổ chức kỳ thi riêng hoặc sử dụng kết quả thi ĐH để xét tuyển…
LINH AN