Tuyển sinh trực tuyến: Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ

Năm học 2019-2020, một số quận, huyện trên địa bàn TPHCM bắt đầu triển khai thí điểm tuyển sinh đầu cấp qua mạng. Nỗ lực đổi mới này ngoài việc tiết kiệm thời gian đi lại của phụ huynh còn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trường học. Tuy nhiên, để tuyển sinh đạt hiệu quả, cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý. 
Phụ huynh nộp hồ sơ nhập học lớp 1 cho con năm học 2018-2019 tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1)
Phụ huynh nộp hồ sơ nhập học lớp 1 cho con năm học 2018-2019 tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1)

Khởi đầu thận trọng

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận 3, cho biết tuyển sinh đầu cấp trực tuyến là một trong những nội dung thực hiện của kế hoạch xây dựng trường học thông minh, thực hiện theo chủ trương của UBND TPHCM. Quận 3 sẽ bắt đầu triển khai từ năm học 2019-2020. Hiện tại, Phòng GD-ĐT đang tham mưu kế hoạch chi tiết trình UBND quận 3 phê duyệt và ban hành.

Theo ông Phước, việc thực hiện “số hóa” là xu thế phát triển chung của toàn ngành, cũng là một trong những nội dung cải cách hành chính trong tiến trình xây dựng mô hình đô thị thông minh tại địa phương. Lợi ích của hình thức tổ chức này là giúp phụ huynh thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu thông tin tuyển sinh, rút ngắn thời gian đi lại và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bên cạnh đó còn giúp công tác lưu trữ hồ sơ của các đơn vị trường học trở nên tinh gọn và tự động hơn. Tuy nhiên, thời gian đầu tổ chức, song song với hình thức tuyển sinh trực tuyến, địa phương vẫn áp dụng phương thức truyền thống (tức niêm yết công khai thông tin tuyển sinh tại cơ sở giáo dục) để thay đổi dần thói quen của người dân.

Tương tự, tại quận 12, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận, thông tin địa phương đang hoàn thiện phần mềm tuyển sinh để tiến tới tổ chức tuyển sinh theo hình thức trực tuyến. Trước mắt, bắt đầu từ năm học 2019-2020, tất cả thông tin tuyển sinh sẽ được tải lên cổng thông tin điện tử của UBND quận và Phòng GD-ĐT quận. Phụ huynh không cần đến trường mua hồ sơ trực tiếp mà có thể lên mạng tải mẫu đơn đăng ký về máy tính để kê khai hồ sơ nhập học. 

Tại quận 8, đại diện Phòng GD-ĐT cho biết đang xem xét tình hình, nếu đủ điều kiện sẽ triển khai tuyển sinh trực tuyến đồng loạt ở các trường, hoặc chọn thí điểm mỗi cấp học một trường để vừa làm vừa rút kinh nghiệm và tiếp tục nhân rộng ở những năm học sau. Riêng ở quận Bình Tân, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT quận, bày tỏ tổ chức tuyển sinh qua mạng là một trong những mục tiêu phấn đấu của địa phương. Tuy nhiên, trong tình hình tổng số học sinh trên địa bàn quận quá cao, trường học chưa đáp ứng nổi nhu cầu học tập của người dân nên quận ưu tiên phát triển trường học cho đủ số, khi có đủ điều kiện sẽ triển khai tuyển sinh qua mạng trực tuyến.

Dự kiến mùa tuyển sinh năm học 2019-2020, địa phương vẫn áp dụng hình thức phân tuyến thủ công, cho phụ huynh đăng ký nguyện vọng vào các trường sau đó dựa vào tình hình tuyển sinh thực tế, Phòng GD-ĐT sẽ phân bố lại để đảm bảo có đủ chỗ học cho tất cả người dân. 

Khó tuyển nhân sự

Chia sẻ với chúng tôi, trưởng phòng GD-ĐT một quận ở vùng ven cho biết, nhân sự phòng hiện nay có 18 người, 1 trưởng phòng và 2 phó phòng. Chỉ tính khối lượng công việc hiện tại, từ lãnh đạo đến chuyên viên đã “quay vòng vòng với cả núi công việc”, do đó nếu tổ chức thêm công tác tuyển sinh trực tuyến, địa phương sẽ gặp khó khăn về nhân sự. Mặt khác, theo ghi nhận thực tế tại nhiều phòng GD-ĐT quận/huyện, hiện nay chưa có cán bộ phụ trách công nghệ thông tin (CNTT). Một phó phòng GD-ĐT thở dài cho biết, nhân lực giỏi CNTT khó có khả năng đầu quân về phòng GD-ĐT do lương bổng kém tính cạnh tranh và thu hút. 

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, mặc dù Bộ GD-ĐT đã có quy định giao một chỉ tiêu biên chế CNTT cho các cơ sở giáo dục, nhưng với định danh là “nhân viên CNTT” - tức chỉ cần trình độ trung cấp - chứ không phải cán bộ chuyên trách có bằng cử nhân, nên các trường không tìm đâu ra nguồn tuyển. Hiện nay rất ít đơn vị đào tạo chuyên ngành CNTT trình độ trung cấp. Nếu như người có chứng chỉ A, B, C tin học không đủ điều kiện công tác theo quy định của Bộ GD-ĐT, thì cử nhân đại học chuyên ngành CNTT lại không chọn môi trường sư phạm để công tác vì hệ số lương không tương xứng. Do đó, quy định một biên chế nhân viên CNTT trong trường học được xem là thiếu tính thực tế, khiến các trường gặp khó trong tuyển dụng nhân sự.

Bên cạnh yếu tố con người, để triển khai hiệu quả việc tuyển sinh trực tuyến, đại diện các phòng GD-ĐT cho biết, nền tảng cơ sở vật chất cũng hết sức quan trọng. Ông Nguyễn Hồng Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và chương trình giáo dục (Sở GD-ĐT TPHCM), khẳng định để triển khai tuyển sinh đầu cấp qua mạng, cần phải có một hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ và toàn diện. Do đó, công tác chuẩn bị cần được triển khai từng bước.

Trước mắt trong năm học này, sở khuyến khích các đơn vị trường học đưa biểu mẫu, đơn đăng ký, văn bản hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp lên trang thông tin của trường, để phụ huynh có thể tìm hiểu thông tin và tải mẫu đơn đăng ký về máy tính mà không cần đến trường xếp hàng mua hồ sơ như những năm trước. Thời gian tới, khi đề án xây dựng Trung tâm Điều hành trường học thông minh được UBND TPHCM thông qua, ngành GD-ĐT sẽ có thêm các văn bản hướng dẫn, cũng như kế hoạch thực hiện cụ thể.

Tin cùng chuyên mục