UBTVQH không ban hành nghị quyết về việc quy định chi tiết Luật Kiểm toán Nhà nước

Sáng 10-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 20, phiên họp đầu tiên của năm 2018.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp

Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Trình bày Tờ trình về vấn đề này tại phiên họp, đồng thời phát biểu giải trình thêm một số vấn đề, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh sự cần thiết quy định chi tiết một số điều của Luật KTNN để khắc phục khó khăn, vướng mắc và bổ sung chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động kiểm toán.

“KTNN là thiết chế mới, khi xây dựng Luật cũng chưa tính hết được mọi vấn đề nên thực tế triển khai đã vấp phải nhiều khoảng trống pháp luật. Mặc dù đang chuẩn bị để sửa đổi, bổ sung Luật trong năm tới, nhưng có rất nhiều vấn đề nếu không gỡ vướng thì không làm được”, người đứng đầu KTNN nói.

Đáng lưu ý, trong số các vấn đề KTNN đề nghị UBTVQH ra nghị quyết có vấn đề xử lý vi phạm hành chính và mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm toán.

Báo cáo với UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí về sự cần thiết quy định chi tiết một số điều của Luật KTNN để khắc phục khó khăn, vướng mắc và bổ sung chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động kiểm toán.

Tuy nhiên, việc KTNN đề xuất ban hành Nghị quyết của UBTVQH sẽ không bao quát hết các nội dung cần sửa đổi, quy định chi tiết; những nội dung Luật giao UBTVQH quy định chi tiết đã thực hiện đầy đủ; nhiều vấn đề bổ sung liên quan đến sửa đổi Luật thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

“Hơn nữa, Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27-11-2017 của Ban chấp hành Trung ương đã giao Đảng Đoàn Quốc hội lãnh đạo Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật KTNN, hoàn thành trong năm 2019. Vì vậy, đề nghị KTNN tổng kết, đánh giá toàn diện và trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật”, ông Nguyễn Đức Hải nhận định.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban TCNS, đa số ý kiến cho rằng, nhiều nội dung trong Dự thảo Nghị quyết không phải là các điều, khoản Luật KTNN giao UBTVQH quy định chi tiết; nhiều nội dung bổ sung mới so với Luật hiện hành, như về xử lý vi phạm hành chính và phạm vi kiểm toán. Do đó, đề xuất của KTNN không thuộc thẩm quyền của UBTVQH mà thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cơ bản nhất trí với cơ quan thẩm tra.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói rõ: “UBTVQH không ban hành nghị quyết như KTNN trình. Đề nghị KTNN tập hợp các vấn đề lớn để sửa Luật, một số vấn đề vướng nhỏ thì KTNN nghiên cứu, hướng dẫn các đơn vị. Để nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho KTNN, việc sửa Luật Kiểm toán có thể thực hiện theo quy trình tại 1 kỳ họp vào năm 2019. Như thế cũng là đủ thời gian để rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Luật Kiểm toán hiện hành”.

Tin cùng chuyên mục