Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai vừa có công văn đề nghị các địa phương triển khai phòng chống rét đậm rét hại ở miền Bắc, ứng phó mưa lũ do không khí lạnh gây ra ở miền Trung.
Tại Hà Nội, nhiệt độ ban ngày chỉ còn 16-170C, ban đêm có thời điểm xuống 14-150C. Do ảnh hưởng của rét đậm, giá rau xanh tại các chợ bắt đầu tăng 30%-40%, nhiều loại rau tăng gấp đôi. Nhiều nông dân ở ngoại thành Hà Nội cho biết, nguyên nhân do cách đây 1 tháng, nhiều nơi ở miền Bắc có sương mù, sương muối dày đặc nên rau màu bị hư hại. Nhiều vùng chuyên canh rau màu tại các huyện Hoài Đức, Đông Anh, Đan Phượng, Thanh Trì, Thanh Oai… không sản xuất kịp, giá tăng cao, nhưng cũng không có nhiều để thu hái.
Ở các vùng núi cao phía Bắc, từ cuối tháng 11 đến nay, nhiệt độ tại Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), Nguyên Bình (Cao Bằng), Đồng Đăng, Cao Lộc (Lạng Sơn)… liên tục ở mức dưới 100C, nhiều nơi ban đêm về sáng chỉ còn 6-70C, trời rét buốt. Người dân lo ngại nếu rét kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của trâu, bò, ngựa…
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), để tránh xảy ra thiệt hại, hiện nay, tại các xã vùng cao trên 1.500m thuộc huyện Trạm Tấu (Yên Bái), các hộ chăn nuôi đang triển khai phòng chống đói, rét cho đàn gia súc. Còn tại 2 huyện Vân Hồ và Mộc Châu (Sơn La) - nơi đang nuôi hàng ngàn bò sữa - người dân đang cấp tập dự trữ thức ăn khô (bắp ủ chua) để vượt qua mùa đông này.
Nhận định mùa đông 2022-2023 có thể khắc nghiệt, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã có công văn đề nghị các địa phương triển khai phòng chống rét đậm rét hại ở miền Bắc, ứng phó mưa lũ do không khí lạnh gây ra ở miền Trung. Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cũng có công văn đề nghị sở NN-PTNT tại các địa phương cử cán bộ xuống cơ sở kiểm tra, hướng dẫn bà con các giải pháp kỹ thuật phòng tránh rét cho vật nuôi.
Tại địa phương, các ban chỉ huy ở Bắc Kạn, Bắc Giang, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang… cũng có công văn về việc tổ chức phòng tránh rét đậm, rét hại đảm bảo an toàn cho người (nhất là người già, trẻ nhỏ, học sinh) và bảo vệ cây trồng - vật nuôi. Các biện pháp cụ thể như vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn mùa đông cho gia súc kết hợp phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản. Các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn đề nghị người dân tại Sa Pa, Bát Xát, Cao Lộc, Văn Lãng… di chuyển trâu, bò, dê, ngựa từ vùng núi cao xuống vùng thấp, nuôi nhốt tập trung, không thả trong rừng.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, mùa đông 2022-2023 sẽ có nền nhiệt trung bình cao hơn các mùa đông gần đây, nhưng xen kẽ các đợt nắng ấm sẽ có những đợt rét đậm, rét hại cực đoan.
Các chuyên gia khí tượng nhận định, hiện tượng rét đậm, rét hại chủ yếu xuất hiện trong tháng 12-2022 và tháng 1, nửa đầu tháng 2-2023. Những khu vực sẽ có nền nhiệt xuống thấp, thời tiết khắc nghiệt trong mùa đông là miền Bắc, miền núi phía Tây từ Thanh Hóa, Nghệ An đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên.
Để tránh tác hại của rét đậm rét hại, người dân cần sớm dự trữ cỏ khô, rơm rạ, cây bắp ủ chua, làm chuồng trại che chắn rét cho gia súc, gia cầm. Với cây trồng (nhất là rau màu), bà con nên đầu tư sản xuất trong nhà màng, nhà lưới (hoặc che chắn bạt ni lông để tránh sương muối, băng giá và mưa đông kết, sáng sớm nên phun nước ấm để tránh đọng sương lạnh gây cháy lá). Riêng với các vùng trồng hoa kiểng tết, các nhà vườn phải theo dõi sát diễn biến thời tiết để cắt tỉa lá, bón tưới kịp thời, không để hoa trái sai lệch mùa vụ.