Triển khai Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển TPHCM:

Ưu tiên nguồn lực phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông

Trong Nghị quyết số 31-NQ/TW (viết tắt Nghị quyết 31) ngày 30-12-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có đề cập một số nội dung về TP Thủ Đức (TPHCM) - thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước.

Trao đổi với PV Báo SGGP, đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức, đã nêu bật những cơ hội, kỳ vọng cũng như tâm thế của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Thủ Đức trong việc triển khai Nghị quyết 31.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức
Đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức

Hai nguồn lực quan trọng

- Phóng viên: Nghị quyết 31 được ban hành với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện cho TPHCM phát triển bền vững. Theo đồng chí, nghị quyết có ý nghĩa như thế nào với riêng TP Thủ Đức?

* Đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp: Bên cạnh Nghị quyết 08 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về phương hướng, nhiệm vụ và một số cơ chế phát triển TP Thủ Đức giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết 31 sẽ là cơ sở chính trị quan trọng để Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, cụ thể hóa bằng các cơ chế chính sách phát triển cụ thể cho TP Thủ Đức. Trước mắt là nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Và xa hơn là Quốc hội sẽ ban hành một cơ chế riêng cho TP Thủ Đức theo khoản 2, Điều 6, Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM.

"Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị ban hành về những nhiệm vụ, giải pháp để phát triển TPHCM nhưng có đề cập cụ thể đến các cơ chế, chính sách phát triển TP Thủ Đức. Điều này cho thấy, TP Thủ Đức luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của Trung ương và TPHCM trong định hướng, chỉ đạo và tạo điều kiện để TP Thủ Đức phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, thực sự trở thành mô hình chính quyền đô thị đầu tiên trên cả nước hoạt động hiệu quả"

Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức NGUYỄN HỮU HIỆP

- Nghị quyết 31 cho phép HĐND TPHCM quyết định tổ chức bộ máy trực thuộc TP Thủ Đức, số lượng cán bộ, công chức. TP Thủ Đức sẽ kiến nghị gì về nội dung này, thưa đồng chí?

* Đây được xem là nội dung mang tính chiến lược, mở ra cơ chế đặc biệt cho TP Thủ Đức. Bởi, để phát triển được như kỳ vọng của TPHCM và Trung ương thì TP Thủ Đức cần có 2 nguồn lực quan trọng, đó là: nguồn lực tài chính và nguồn lực con người.

Hiện nay, TP Thủ Đức đã phối hợp với Sở Nội vụ TPHCM đề xuất các nội dung về tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, số lượng và chức năng, nhiệm vụ các phòng ban chuyên môn trực thuộc TP Thủ Đức. Cùng với đó là cơ cấu số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường dựa trên hoạt động kinh tế, quy mô dân số và đặc điểm của TP Thủ Đức trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. TP Thủ Đức cũng đang khẩn trương xây dựng đề án vị trí việc làm với sự đồng hành góp ý của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM.

- Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nêu trong Nghị quyết 31 là phát triển TP Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới, là đô thị sáng tạo, tương tác cao, hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội của TPHCM. Xin đồng chí cho biết, TP Thủ Đức cần tập trung vào những nhiệm vụ nào?

* Muốn TP Thủ Đức phát triển trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao trên cơ sở phát triển kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo; đô thị xanh bền vững, thực sự trở thành một “cực” tăng trưởng mới của TPHCM và là động lực cho Vùng TPHCM thì trên hết và trước hết phải giải quyết 2 vấn đề mấu chốt, đó là: cơ chế phát triển đột phá và nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội tương xứng với tiềm năng, định hướng phát triển. Song hành là quan điểm nhất quán: Những gì TP Thủ Đức có thể làm tốt thì mạnh dạn phân cấp, giao quyền tự chủ cho TP Thủ Đức.

Do đó, TP Thủ Đức tập trung, kiên trì kiến nghị Trung ương và TPHCM tăng thêm thẩm quyền, tăng thêm nguồn lực tài chính và con người phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đây là nhiệm vụ chính trị then chốt nhất hiện nay. Đồng thời, TP Thủ Đức cũng phải tập trung kiện toàn củng cố bộ máy, con người chuẩn bị cho những nhiệm vụ sắp tới, tức là phát huy tính chủ động và năng lực đáp ứng tại chỗ một cách tối đa, kết hợp với tăng cường thêm nhân sự từ các sở, ngành TPHCM.

Bên cạnh đó, TP Thủ Đức tập trung hoàn thành phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung, đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao hiệu lực hiệu quả điều hành quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

Một góc Khu Công nghệ cao TPHCM (TP Thủ Đức). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Một góc Khu Công nghệ cao TPHCM (TP Thủ Đức). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Biệt phái nhân sự để thúc đẩy giải phóng mặt bằng

- Đồ án Quy hoạch chung là định hướng phát triển. Đồ án Quy hoạch chung TP Thủ Đức hiện đã đến giai đoạn nào, thưa đồng chí?

* Ngày 16-12-2022, HĐND TP Thủ Đức đã ban hành Nghị quyết 48 thông qua Đồ án Quy hoạch chung TP Thủ Đức thuộc TPHCM đến năm 2040. Hiện nay, TP Thủ Đức đang tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư trên địa bàn và các sở, ban ngành, các trường đại học về đồ án này. TP Thủ Đức đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để trình xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM và dự kiến hoàn thiện, trình Bộ Xây dựng trong tháng 3-2023 để thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý 2-2023.

- Theo Đồ án Quy hoạch chung, TP Thủ Đức sẽ có 8 khu chức năng trọng điểm. TP Thủ Đức xác định khu chức năng nào là ưu tiên hàng đầu để triển khai thực hiện?

* Theo tôi đánh giá, các khu chức năng trọng điểm đều rất quan trọng, sẽ là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Thủ Đức trong tương lai. Do đó, cần phải ưu tiên nguồn lực để đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện thực tiễn, các phương thức huy động nguồn lực sẽ phải xây dựng lộ trình cụ thể cho các trọng điểm này theo các thứ tự ưu tiên khác nhau.

- Hạ tầng giao thông của TP Thủ Đức bị coi là “rào cản” phát triển. Có những công trình “đắp chiếu” nhiều năm, một phần nguyên nhân do chậm giao mặt bằng. Theo đồng chí, trách nhiệm của TP Thủ Đức như thế nào trong câu chuyện nêu trên?

* Đúng là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng có chậm so với yêu cầu đề ra. Song, cũng phải thấy rằng đây là khó khăn chung, không chỉ của TP Thủ Đức mà là của cả TPHCM. Theo tôi, có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Khách quan là cơ chế chính sách giá bồi thường chưa kịp thời, tính chất pháp lý, hồ sơ phức tạp, các chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng chưa được người dân đồng thuận cao. Còn chủ quan là khối lượng công việc lớn, nhân sự làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ở cấp phường còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ.

- TP Thủ Đức đặt mục tiêu gì về hạ tầng giao thông trên địa bàn trong thời gian tới?

* Bằng những giải pháp phù hợp trong việc tổ chức phân công nhiệm vụ, trong đó có giải pháp TP Thủ Đức tăng cường biệt phái nhân sự cho các phường trọng điểm, thì những khó khăn trên cơ bản được khắc phục từng bước. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã có nhiều chuyển biến, TP Thủ Đức là một trong những đơn vị đầu tiên tổ chức bàn giao mặt bằng đoạn 1A và đang khẩn trương triển khai đoạn 1B của dự án đường Vành đai 3. Đối với các dự án còn lại, TP Thủ Đức sẽ tổ chức triển khai nhiều giải pháp đồng bộ kết hợp tăng cường vận động người dân chấp hành bàn giao mặt bằng để phấn đấu hoàn thành sớm nhất công tác giải phóng mặt bằng, kịp thời triển khai thi công các dự án xây lắp nhằm sớm đưa vào phục vụ nhân dân.

TP Thủ Đức đã thành lập Tổ công tác nghiên cứu đề xuất những vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, cơ cấu nhân sự của các đơn vị thuộc TP Thủ Đức. Theo đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức, tinh thần là phải có sự khác biệt so với các quận, huyện khác, trên nguyên tắc phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, thực tiễn địa bàn và định hướng phát triển của TP Thủ Đức trong ngắn hạn và cả dài hạn.

Tin cùng chuyên mục