Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII: Đề xuất tăng thời lượng xem xét chương trình xây dựng luật

(SGGP).– Phiên họp đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII đã diễn ra sáng 22-8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng.

(SGGP).– Phiên họp đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII đã diễn ra sáng 22-8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng.

UBTVQH đã nghe Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ nhất QH khóa XIII.

Trong số những hạn chế cần rút kinh nghiệm về kỳ họp thứ nhất, UBTVQH cho rằng, việc cung cấp một số tài liệu còn chậm, ảnh hưởng đến việc nghiên cứu của đại biểu QH. Việc chuẩn bị về nhân sự giới thiệu để QH bầu hoặc phê chuẩn có trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu nên kết quả không đạt như mong muốn. Một số ý kiến phát biểu tại hội trường chưa thật sự đi vào các vấn đề trọng tâm, chưa phản ánh đúng tình hình thực tế…

Đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh một nét mới của kỳ họp này là việc chuyển giao trách nhiệm điều hành cho Chủ tịch QH mới ngay từ đầu kỳ họp. Tuy nhiên, theo ông, công tác tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng như tuyên truyền về kỳ họp tới đây cần được định hướng rõ nét hơn, sao cho ĐBQH thuộc tất cả các vùng miền, các thành phần đều thấy tiếng nói của họ được ghi nhận.

Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, QH khóa XIII, theo dự kiến, QH sẽ làm việc khoảng 31 ngày. Phiên trù bị và khai mạc được tổ chức vào ngày 20-10-2011 và phiên bế mạc vào ngày 26-11-2011. Dự kiến, QH sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật và 1 nghị quyết; cho ý kiến 13 dự án luật. Các luật dự kiến được thông qua là Luật Biển Việt Nam; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Cơ yếu, Luật Lưu trữ; Luật Đo lường. Tại kỳ họp, QH cũng sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XIII.

Cũng theo chương trình dự kiến, QH dành 9,5 ngày để xem xét, thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác. QH sẽ thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề…

Nhìn nhận rằng việc ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XIII có ý nghĩa rất quan trọng, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý yêu cầu bố trí thêm thời lượng để QH xem xét, quyết định nội dung này. Đồng thời yêu cầu Chính phủ khẩn trương chuẩn bị các dự án luật để trình theo đúng quy trình, đảm bảo thời gian, không để cơ quan thẩm tra phải “bắc nước chờ gạo”. Đáng lưu ý, Chủ nhiệm UB Khoa học Công nghệ Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị đưa vào chương trình kỳ họp thứ hai của QH nội dung xem xét công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (dự kiến khởi công năm 2014).

Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về các vấn đề lớn liên quan đến các dự án Luật Lưu trữ và Luật Khiếu nại. Về nội dung dự án Luật Lưu trữ, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở cơ quan soạn thảo chú trọng công tác chuẩn bị nghị định, thông tư hướng dẫn để đảm bảo luật sớm đi vào cuộc sống.

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng dự án Luật Khiếu nại, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, Thường trực UB Pháp luật đề nghị chỉnh lý dự thảo luật theo hướng mở rộng hơn, toàn diện hơn. Theo đó, luật quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước; cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan tổ chức đó. Luật được áp dụng cho cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, công dân nước ngoài tại Việt Nam (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà VN tham gia có quy định khác). Khái niệm “khiếu nại đông người” cũng được Thường trực UB Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo luật.

  • Yêu cầu thẩm tra tư cách một ĐBQH

Sau khi một số thành viên UBTVQH có ý kiến về việc thẩm tra tư cách đạo đức, nhân thân của một ĐBQH mà báo chí đã phản ánh, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu Ban công tác đại biểu thẩm tra tư cách ĐBQH này. Trước đó, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đề xuất Thường vụ nên quan tâm, xác minh làm rõ đến các thông tin trên báo chí về đạo đức, nhân thân của một ĐBQH. Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng: “Nếu đứng ngoài cuộc là chúng ta vô cảm với chính vị đại biểu đó cũng như vô cảm với những bức xúc của công luận. Việc đã râm ran từ trước khi diễn ra kỳ họp nhưng sau kỳ họp mới xuất hiện trên báo chí. Dẫu sao, chúng ta vẫn cần thẩm tra để có thông tin chính thức về trường hợp này, có cơ sở để giải thích rõ ràng với cử tri”.

 

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục