Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phản biện xã hội (lần 2) dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Ngày 27-4, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội (lần 2) đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phản biện xã hội (lần 2) dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: VIẾT CHUNG
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phản biện xã hội (lần 2) dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: VIẾT CHUNG

Tại hội nghị, các ý kiến đã tập trung góp ý vào việc thể chế hóa các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); phản biện những nội dung liên quan chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; góp ý cụ thể nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai tôn giáo…

GS-TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho rằng, trong dự thảo luật phải quy định rõ việc mặt trận tham gia góp ý kiến, phản biện xã hội đối với các dự án luật, pháp lệnh và các dự thảo văn bản khác liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân về quản lý và sử dụng đất đai. Mặt trận kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản pháp luật trái Hiến pháp và pháp luật về đất đai.

Đặc biệt, mặt trận phải giám sát xã hội đối với việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai có liên quan quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, của đoàn viên, hội viên, của tổ chức mình; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân về đất đai bằng việc tiếp công dân, tham gia công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

GS-TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật. Ảnh: VIẾT CHUNG

GS-TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật. Ảnh: VIẾT CHUNG

GS-TS Trần Ngọc Đường cũng đề nghị cần bổ sung một điều quy định về trách nhiệm của MTTQ Việt Nam các cấp trong việc giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thu hồi, trưng dụng đất và việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất bị nhân dân không đồng tình, khiếu kiện.

Góp ý để hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến đất đai tôn giáo, ông Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ cho rằng, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) những quy định trực tiếp đến đất tôn giáo bước đầu đã thể chế và tiếp thu nhiều ý kiến góp ý, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm chưa rõ, rất khó thực hiện.

Ông Ngô Sách Thực đề nghị trong dự thảo luật cần bổ sung thêm mục giải thích đất tôn giáo là gì, đất tín ngưỡng là gì cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, bởi cách hiểu hiện nay rất khác nhau. Cùng với đó các điều quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân loại đất trong luật phải đề cập rõ hơn đất tôn giáo, tín ngưỡng.

Ông Ngô Sách Thực cũng kiến nghị, Luật Đất đai (sửa đổi) phải chỉ rõ các loại hình tôn giáo được thuê đất để phù hợp với chính sách “tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất cho Nhà nước theo quy định của pháp luật để tiết kiệm đất, sử dụng đất có hiệu quả”, tránh lợi dụng chính sách để “ôm đất”, “đầu cơ” đất, lãng phí không sử dụng đất.

Tại hội nghị, các ý kiến cũng góp ý kiến trực tiếp vào các quy định tại dự thảo luật nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người có đất bị thu hồi, tạo sự đồng thuận, giảm khiếu kiện, khiếu nại, thuận lợi cho các địa phương dễ dàng áp dụng, đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; làm rõ quy định về bỏ khung giá đất, tác động của việc bỏ khung giá đất, lộ trình thực hiện và cần quy định cụ thể trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)…

Các ý kiến phát biểu tại hội nghị sẽ được tiếp thu đầy đủ và thể hiện trong báo cáo phản biện xã hội (lần 2) của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi đến Chính phủ và các cơ quan có liên quan nhằm điều chỉnh các nội dung trong luật phù hợp với tình hình thực tế.

Tin cùng chuyên mục