60 tình nguyện viên được chọn chia làm nhiều nhóm nhỏ với sự theo dõi chặt chẽ của các chuyên gia y tế.
Với việc sớm nghiên cứu, sản xuất được vaccine Covid-19 và đưa vào thử nghiệm lâm sàng đã đưa Việt Nam nằm trong số 40 quốc gia trên thế giới thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người. Vaccine Covid-19 được sản xuất trong nước sẽ giúp chúng ta không chỉ chủ động được nguồn vaccine mà còn có được “vũ khí” hữu hiệu khống chế được dịch Covid-19. Đây thực sự là viễn cảnh rất khả quan trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp trên thế giới.
Tuy nhiên, từ lúc vaccine Covid-19 ra đời cho tới khi vaccine này vào đời sống, tiêm chủng rộng rãi cho cộng đồng với mức an toàn cao nhất là chặng đường dài. Hơn nữa, theo ông Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có vaccine không đồng nghĩa với việc đại dịch sẽ bị đẩy lùi. Việc có vaccine và tiến hành tiêm ngừa sẽ chỉ là bổ sung một công cụ quan trọng và sắc bén cho bộ các công cụ cần thiết để đối phó với đại dịch Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhiều lần nhấn mạnh, chúng ta đang “chạy đua” trong tiến trình nghiên cứu, thử nghiệm vaccine nhưng phải đến quý 2-2022, Việt Nam mới có thể cung ứng rộng rãi vaccine Covid-19. Do đó vẫn phải triển khai quyết liệt, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, không thể trông cậy quá nhiều vào vaccine Covid-19.
Thời gian qua, Việt Nam là điểm sáng của thế giới về phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19. Để giữ vững và duy trì được thành quả to lớn này, đòi hỏi mỗi một người dân phải luôn chủ động nâng cao ý thức, trách nhiệm bản thân, nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật về phòng chống dịch và khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế - đây chính là “vaccine” hữu hiệu, mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.