
Dịch cúm gia cầm đã diễn ra 2 mùa liên tiếp tại Việt Nam và các nước trong khu vực nhưng đến nay vaccine virus cúm H5N1 trên người vẫn đang là mong đợi của nhiều người. Mới đây, một nhóm các nhà khoa học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành thử nghiệm vaccine cúm gia cầm trên động vật và đã thu được một số kết quả khả quan ban đầu. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên báo SGGP đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Hoàng Thủy Nguyên - nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, phụ trách nhóm nghiên cứu này.
- PV: Thưa giáo sư, việc nghiên cứu vaccine phòng chống virus cúm H5N1 ở Việt Nam đã được bắt đầu như thế nào?
- GS.TSKH HOÀNG THỦY NGUYÊN: Tại Việt Nam, vaccine cúm gia cầm đã được nghiên cứu từ tháng 4-2004 tại phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Đến ngày 17-1, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương đã thử nghiệm tiêm vaccine cúm H5N1 trên chuột, sau đó là gà và khỉ. Loại vaccine này được nuôi cấy virus trên tế bào thận khỉ. Khác với các lần nghiên cứu trước đây là thường nuôi cấy trên trứng gà có phôi.
- Loại vaccine viện đang nghiên cứu có đặc điểm gì nổi bật?
- Trước hết, giống virus cúm gây bệnh cho gia cầm và người hiện nay (H5N1) có độc lực rất cao nên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã yêu cầu không được dùng giống virus có độc lực cao này để trực tiếp làm ra vaccine mà phải làm cho nó giảm hoặc mất đi độc lực; nếu không sẽ nguy hiểm cho những người trực tiếp nghiên cứu vaccine hoặc nguy hại đến cộng đồng trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm.
Do đó, viện đã sử dụng công nghệ di truyền ngược, phân tích các gen của các virus, loại bỏ các gen có độc lực cao và thế vào đó những gen của virus không có độc lực. Như vậy, giống virus mới được dùng để chế tạo vaccine là virus đã làm giảm độc lực hoặc không còn độc lực.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã nuôi tế bào theo hướng hoàn toàn mới, không làm trên phôi gà như trước đây mà làm trên tế bào thận khỉ. Ưu điểm của phương pháp mới này là cho năng suất cao và sạch hơn, bởi không lẫn tạp chất như trên trứng gà có phôi.
- Tại sao gà, chuột và khỉ lại được chọn làm đối tượng áp dụng nghiên cứu?
- Chuột là động vật thông thường vẫn sử dụng thử nghiệm. Khỉ là loại động vật linh trưởng có những đặc điểm sinh học gần giống với người. Còn gà thì đang diễn ra dịch cúm gia cầm nên cần thử nghiệm trực tiếp mới có hiệu quả.
- Kết quả sau 1 tháng thử nghiệm như thế nào thưa giáo sư?

Dây chuyền mổ vịt tại Công ty TNHH Huỳnh Gia Đệ (huyện Bình Chánh, TPHCM).
- Đến nay, đã có kết quả thử nghiệm vaccine phòng cúm gia cầm trên chuột và gà. Kết quả ban đầu rất tốt, cả hai đều đã xuất hiện kháng thể. Điều này chứng tỏ có phản ứng miễn dịch. Tuy nhiên, công tác thử nghiệm sẽ còn phải tiếp tục thực hiện nhiều lần. Kết quả thử nghiệm trên khỉ cũng sẽ có vào cuối tuần tới…
- Liệu bao giờ sẽ có kết quả cuối cùng, thưa giáo sư?
- Như tôi đã nói, đây mới chỉ là những kết quả ban đầu và chúng tôi còn phải tiến hành thử nghiệm nhiều lần trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. Vì vậy, tôi chưa thể khẳng định được điều gì, mặc dù kết quả hiện nay là rất khả quan. Thành công ban đầu này có thể đem lại triển vọng tốt đẹp cho việc sản xuất vaccine phòng cúm cho gia cầm và người.
Sau khi thử nghiệm trên động vật thành công, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ tiếp tục thử nghiệm trên một số người tình nguyện, sau đó đề nghị Bộ Y tế cho phép thử nghiệm rộng rãi đối với người. Dự kiến, nếu thành công vaccine này có thể tiêm phòng cho cả gia cầm và người. Giá thành của vaccine này sẽ rất rẻ nên người dân có thể sử dụng cho bản thân và gia cầm.
- Xin cám ơn giáo sư!
NGỌC LINH (thực hiện)
Hôm nay 19-2, tiến hành tiêm thử nghiệm vaccine chống dịch cúm gia cầm |