Vaccine Việt Nam nhiều triển vọng

Ngày 23-3, tại Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội, dự án thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac ngừa Covid-19 do Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất tiếp tục thực hiện tiêm thử nghiệm mũi đầu tiên trên 15 người tình nguyện.
Tiêm vaccine Covivac cho người tình nguyện. Ảnh: CTV
Tiêm vaccine Covivac cho người tình nguyện. Ảnh: CTV

Đảm bảo an toàn cao nhất

Theo PGS-TS Phạm Thị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Dược lý lâm sàng, do điều kiện người tình nguyện tiêm thử nghiệm vaccine phải lưu trú trong 24 giờ để theo dõi sức khỏe nên chương trình chỉ tiêm tối đa cho 15 người. Độ tuổi của người được tiêm thử nghiệm lâm sàng vaccine là từ 18-59. Dự kiến vào ngày 25-3 tới, 15 người tình nguyện tiếp theo cũng sẽ được tiêm vaccine Covivac mũi đầu tiên.

Trước đó, ngày 15-3, nhóm 6 tình nguyện viên đầu tiên đã được tiêm mũi đầu tiên của vaccine Covivac. Với liều tiêm thứ nhất, 114 người còn lại sẽ lần lượt được tiêm theo các đợt, mỗi đợt cách nhau 8 ngày đến 20-4. Theo lịch trình nghiên cứu, mỗi đợt sẽ tổ chức tiêm từ 12-18 người/ngày. Theo ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, đến thời điểm hiện tại, vaccine Covivac mặc dù mới thử nghiệm giai đoạn 1 nhưng qua các nghiên cứu tiền lâm sàng đã cho kết quả chất lượng rất tốt. Giá thành dự kiến của vaccine này rất rẻ (sơ bộ đánh giá bằng1/2 giá vaccine hiện có trên thị trường). 

Ông Nguyễn Ngô Quang cho biết thêm, Việt Nam hiện có 4 đơn vị đang nghiên cứu, phát triển vaccine Covid-19. Trong đó vaccine NanoCovax của Công ty NANOGEN đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, đang triển khai giai đoạn 2. Vaccine Covivac của IVAC đang triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Vaccine của Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) sẽ chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 1 vào tháng 4-2021. Các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở giai đoạn tiền lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng của cả 3 vaccine này đều được đánh giá rất tốt, có triển vọng. 

Đáng chú ý, vaccine NanoCovax, sau khi kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 100% người được tiêm đều an toàn, sinh kháng thể với nồng độ cao, có tác dụng bảo vệ tốt và được thử nghiệm hiệu quả trên các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 như chủng phát hiện ở Anh.  “Căn cứ vào kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đến thời điểm hiện tại là rất lạc quan. Nếu thuận lợi, có thể cuối quý 3-2021 sẽ hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vaccine NanoCovax, rút ngắn tiếp 3 tháng so với kế hoạch dự kiến trước đó. Trước đó, thời gian thử nghiệm giai đoạn 2 của vaccine NanoCovax cũng đã rút ngắn thời gian từ 6 tháng xuống 3 tháng…” - ông Quang nhấn mạnh. Nếu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 hoàn thành, hy vọng vào cuối quý 3-2021, Việt Nam sẽ có vaccine đầu tiên để phòng chống dịch Covid-19 do chính các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và sản xuất. 

Không để doanh nghiệp tự mua vaccine

Liên quan tới việc một số doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu vaccine Covid-19 để tiêm chủng, phòng chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine Covid-19 đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vaccine Covid-19. Vì vậy, Bộ Y tế không có chủ trương để các công ty, doanh nghiệp tự nhập khẩu vaccine Covid-19 để tiêm chủng. 

Hiện nay, các công ty sản xuất vaccine Covid-19 đã được cấp phép trên thế giới đều có mối liên hệ trực tiếp với Bộ Y tế. Những vaccine được Bộ Y tế cấp phép tại Việt Nam, chỉ các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vaccine mới được nhập khẩu, nhưng việc tiêm vaccine hiện nay phải theo sự điều phối chung của Bộ Y tế, đúng với tinh thần những đối tượng có rủi ro cao thì được tiêm trước như Nghị quyết 21/NQ-CP đã nêu. Việc tiêm chủng vaccine Covid-19 phải do các cơ sở y tế của ngành y tế thực hiện. Trong khi đó, trao đổi với báo chí, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, các loại vaccine Covid-19 là vaccine mới phát triển nên quá trình thực hiện tiêm chủng phải có sự chuẩn bị kỹ càng chu đáo về cơ sở vật chất phục vụ tiêm chủng, bảo quản vaccine, khám sàng lọc, theo dõi, giám sát chặt chẽ phản ứng sau tiêm nhằm đảm bảo an toàn cho người được tiêm chủng nên không thể tiêm ồ ạt.

Cùng ngày, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường đã ký quyết định số 1654/QĐ-BYT phê duyệt có điều kiện đối với vaccine Gam-COVID-Vac (còn gọi là Sputnik V) của Nga sản xuất cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19. Tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất Vaccine và Sinh phẩm y tế (POLYVAC) là cơ sở đề nghị phê duyệt vaccine Sputnik V. POLYVAC có trách nhiệm phối hợp với cơ sở sản xuất vaccine phản hồi kịp thời các yêu cầu từ Bộ Y tế Việt Nam để bổ sung thêm dữ liệu hoặc các yêu cầu khác có liên quan đến vaccine và chủ động cung cấp, cập nhật các thông tin mới có liên quan đến vaccine.

Thêm 12 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh

Chiều tối 23-3, Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày, cả nước có thêm 1 ca mắc Covid-19 (ca bệnh thứ 2.576) là người nhập cảnh được cách ly  tại Hà Nội. Cùng ngày, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, đã có thêm 2.060 người được tiêm chủng vaccine Covid-19 của AstraZeneca, nâng số người được tiêm vaccine lên 36.082 người.

Tin cùng chuyên mục