Vai trò của gia tộc trong đời sống hiện đại

Ở Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia Á Đông khác, gia đình và gia tộc luôn có mối liên hệ khắng khít với nhau. Trong cuộc sống hiện đại, gia tộc càng có một vị trí quan trọng trong tổ chức đời sống cộng đồng.
Vai trò của gia tộc trong đời sống hiện đại

Nếp nhà

Ở Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia Á Đông khác, gia đình và gia tộc luôn có mối liên hệ khắng khít với nhau. Trong cuộc sống hiện đại, gia tộc càng có một vị trí quan trọng trong tổ chức đời sống cộng đồng.

Phan tộc và văn hóa gia tộc

Xét về thành phần cấu tạo thì gia đình là đơn vị cơ sở và gia tộc (dòng họ) là đơn vị cấu thành nên cộng đồng xã hội. Mỗi gia tộc đều có “luật” riêng (gia quy), có quan hệ đến vận mệnh của làng xã, của khu vực và cả dân tộc trên mọi lĩnh vực của đời sống, nhất là yếu tố văn hóa. Tuy nhiên, khái niệm văn hóa gia tộc cũng như vai trò của gia tộc trong cuộc sống hiện đại lâu nay ít được nhắc đến. Hiện nay, các giá trị văn hóa trong gia đình đang biến đổi theo hướng từ gia đình gia trưởng truyền thống sang gia đình kiểu dân chủ hiện đại. Trong quá trình đó, chức năng và vai trò của gia tộc đang suy giảm, nhất là ở đô thị.

Một nhà thờ họ thuộc Phan tộc.

Giữa bối cảnh như thế, những gia tộc vẫn còn giữ được nền tảng vững chắc và những hoạt động sinh hoạt cộng đồng làng xã là một kho tàng văn hóa truyền thống vô cùng quý báu. Tại xã Dương Xuân Hội - một vùng ven của tỉnh Long An, không ai là không biết đến danh tiếng của dòng họ Phan, một gia tộc từ Quảng Nam di dân đến vùng đất này từ thế kỷ 18.

Trong một gia tộc, vấn đề của mỗi cá nhân là vấn đề của cả cộng đồng và những sinh hoạt chung như thờ cúng tổ tiên, gìn giữ lề lối truyền thống của gia tộc, luật lệ của làng xã và nhà nước là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Phan tộc hiện nay vẫn duy trì được những nguyên tắc cơ bản này trong cuộc sống hiện đại. Phan tộc được xem là dòng họ hiếu học, dẫn đầu về kinh tế và chiếm số đông về danh hiệu gia đình hiếu học của địa phương.

Bảo vệ cộng đồng khỏi khủng hoảng

Theo tiến sĩ Trần Long, Trưởng Bộ môn Văn hóa Việt Nam - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM: “Gia tộc chính là thành lũy vững chắc bảo vệ gia đình khỏi những khủng hoảng từ sự tác động của yếu tố bên ngoài”. Tất nhiên cũng phải nhắc đến những mặt trái của gia tộc trong xã hội phong kiến, như đặt nặng tính gia trưởng, chèn ép sự phát triển của tự do cá nhân nhất là trong vấn đề hôn nhân…

Tuy nhiên, quyền lực của gia tộc là một thành lũy vững chắc để bảo vệ những tài sản và những truyền thống chung của dòng họ. Trong xã hội hiện đại cũng vậy, gia tộc là một phần không thể thiếu trong việc giáo dục, hình thành nhân cách, lối sống và ứng xử cho con cái.

Theo tiến sĩ Trần Long, có thể cho một ví dụ điển hình rằng nếu một gia tộc vẫn duy trì được vai trò lớn trong cộng đồng của mình thì gia tộc đó sẽ không xuất hiện hiện tượng lấy chồng nước ngoài tràn lan hay có thể hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ ly hôn cũng như các tệ nạn xã hội khác. Trong Phan tộc có nguồn quỹ do các hộ gia đình tự nguyện đóng góp, theo ông Phan Kim Trụ, Hội phó Hội Phan tộc chi ngánh tại ấp Hồi Xuân cho biết: “Nguồn quỹ đó dùng để giao tế giữa các dòng họ khác, thăm nom những người già neo đơn trong dòng họ và lập quỹ khuyến học để khích lệ tinh thần hiếu học”.

Trong nhiều năm qua những vụ tranh chấp đất đai, kiện tụng đều được dòng họ giải quyết trước trong gia tộc trên tinh thần hòa giải, góp ý xây dựng, những trường hợp khó khăn được hỗ trợ về mặt kinh tế, hạn chế đến mức thấp nhất việc bán ruộng đất canh tác.

Những hoạt động xã hội và quy tắc chung của Phan tộc là những nét chính cho thấy vai trò chủ chốt của gia tộc đối với gia đình và cá nhân trong cộng đồng. Thành công của Phan tộc nói riêng và những gia tộc vẫn còn gìn giữ được những giá trị truyền thống trong cuộc sống hiện đại là thành quả của sự tiếp thu những giá trị tiến bộ và việc duy trì phát huy văn hóa truyền thống của cha ông.

NHƯ Ý

Tin cùng chuyên mục