Cuộc nổi dậy Mùa xuân Ảrập nổ ra cách đây 4 năm khiến nhiều chính phủ từ Trung Đông đến Bắc Phi sụp đổ hoặc lung lay. Saudi Arabia cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên, từ đó đến nay vương quốc này tiếp tục duy trì sự ổn định và tạo thêm ảnh hưởng ra toàn vùng.
Khi Quốc vương Abdullah qua đời, Hoàng thân Salman nhanh chóng được sự đồng thuận của hoàng gia chọn làm người thay thế. Tân Quốc vương Salman lên ngôi trong bối cảnh nhiều quốc gia láng giềng như Iraq, Ai Cập, Syria, Yemen, Libya, Bahrain và Tunisia đang trong giai đoạn bất ổn hoặc đang trong thời kỳ chuyển tiếp sau Mùa xuân Ảrập. Theo báo New York Times, Saudi Arabia đã tham gia sâu rộng trong việc giải quyết những vấn đề tại nhiều nước trong khu vực như đang giúp vực dậy nền kinh tế của Vương quốc Bahrain; cùng với Mỹ hỗ trợ Chính phủ Iraq; chi hàng chục tỷ USD duy trì các chính phủ thân Saudi Arabia tại Ai Cập và Jordan cùng nhiều trợ giúp ở Libya, Tunisia và nhiều nơi khác.
Mặc dù vậy, theo các nhà phân tích, những nỗ lực của Saudi Arabia chưa mang lại hiệu quả như mong đợi ở Syria, Iraq hay Libya. Một kế hoạch chuyển tiếp do Saudi Arabia hậu thuẫn ở nước láng giềng Yemen đã sụp đổ, đưa phiến quân Hồi giáo Houthi do Iran hỗ trợ chiếm thủ đô Sanaa và nhiều khu vực khác của Yemen.
Khi quân đội Ai Cập do tướng Abdel Fattah el-Sisi dẫn đầu tiếp quản thủ đô Cairo vào mùa hè năm 2013, Saudi Arabia đã trở thành nhà tài trợ quan trọng nhất của Ai Cập, nhanh chóng cung cấp hơn 12 tỷ USD hỗ trợ tài chính. Giờ đây, sau khi Quốc vương Abdullah băng hà, không ngạc nhiên khi Tổng thống Ai Cập Sisi ra sắc lệnh quốc tang 7 ngày cũng như hủy bỏ kế hoạch kỷ niệm lần thứ tư của Mùa xuân Ảrập.
Nabil Fahmy, Ngoại trưởng trong chính phủ chuyển tiếp của Ai Cập cho rằng Saudi Arabia là nơi mà Ai Cập có thể trông cậy để chống lại phong trào Anh em Hồi giáo. Saudi Arabia cùng với Các tiểu vương quốc Ảrập cam kết sẽ duy trì chính phủ của ông Sisi với hàng chục tỷ USD viện trợ, có thể là trong nhiều năm tới. Nhưng nền kinh tế Ai Cập vẫn chưa khá hơn khi đồng tiền nước này xuống giá kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao. Gánh nặng này với Saudi Arabia sẽ càng tăng thêm khi giá dầu giảm. Nhưng điều đó vẫn cần thiết hơn nếu Saudi Arabia không muốn nhìn thấy Chính phủ Ai Cập hiện nay sụp đổ. Tại Tunisia, Saudi Arabia hỗ trợ tài chính để giúp ổn định chính phủ nước này chống lại lực lượng Hồi giáo cực đoan.
Sau khi Tổng thống Hosni Mubarak của Ai Cập bị lật đổ, vai trò trung gian của Ai Cập trong tiến trình hòa đàm Israel - Palestine cũng như lãnh đạo Liên đoàn Ảrập dường như đã được chuyển cho Saudi Arabia. Theo nhà nghiên cứu Gamal Abdel Gawad thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Al Ahram ở Cairo, Saudi Arabia có đầy đủ các yếu tố như sự ổn định, hiệu quả quản lý nhà nước và các nguồn lực nhưng điều đó chưa thể khẳng định rằng nước này đang đóng vai trò lãnh đạo khu vực. Các nhà phân tích đều có chung câu hỏi rằng liệu Saudi Arabia sẽ giống như Libya hay Syria hay không nếu không có gia đình hoàng gia đầy ảnh hưởng và giàu có. Với ưu thế đã bình yên sau cơn bão Mùa xuân Ảrập, giờ đây để duy trì môi trường có lợi tiến tới trở thành lãnh đạo khu vực, Saudi Arabia cần ổn định môi trường xung quanh bằng ảnh hưởng của mình cho dù với cái giá rất cao.
KHÁNH MINH